Kho vận & Cảng biển: Dư địa tăng trưởng vẫn còn
Hội thảo 24/03/2016 998
Theo anh Phan Nguyễn Hữu Phương – Trưởng phòng Môi giới 16 VNDIRECT, kho vận và cảng biển tại Việt Nam là ngành có rất nhiều tiềm năng phát triển, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới. Vì vậy, tọa đàm “Góc nhìn ngành: kho vận và cảng biển” là những điểm sáng thông tin giúp nhà đầu tư có góc nhìn tổng quan về Ngành, đồng thời nắm bắt cơ hội đầu tư những doanh nghiệp niêm yết tiềm năng.
Kho vận: Dư địa tăng trưởng vẫn còn cho doanh nghiệp nội địa biết nắm bắt cơ hội để chuyển mình
Theo anh Bùi Tuấn – Chuyên viên phân tích của Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, theo báo cáo của World Bank, hiện chi phí Logistic/GDP của Việt Nam đang dao động ở mức 25%. Con số này khá cao so với các nước trong khu vực nói riêng và ở các nước phát triển nói chung, chỉ khoảng 12%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Việt Nam chưa chú trọng đến việc xây dựng và kết nối các cơ sở hạ tầng; chưa phát triển và áp dụng công nghệ để quản lý chi phí vận tải, kho vận tối ưu hơn.
Anh Bùi Tuấn chia sẻ về thị phần Logistics tại Việt nam
Tính đến thời điểm hiện tại, 80% thị phần Logistics đa phần đều thuộc vào nhóm các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và con người. Cạnh tranh trong ngành khá khốc liệt. Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp Logistics nội địa phần lớn tập trung vào việc vận chuyển, kho vận hàng hóa sau khi sản xuất. Trong khi đó, nguồn thu lớn nhất của doanh nghiệp Logistics tại các nước phát triển hầu hết đến từ hoạt động bán lẻ và tiêu dùng.
Chính vì vậy, cơ hội tăng trưởng vẫn còn cho doanh nghiệp nội địa quyết tâm chuyển mình, hoàn thiện chuỗi giá trị để cạnh tranh sòng phẳng với nhóm đại gia doanh nghiệp nước ngoài.
Cảng biển: Thế trận đổ dồn vào nhóm cảng Hải Phòng
Anh Phan Nguyễn Hữu Phương cho rằng với điểm sáng từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết, Việt Nam trong những năm tới đây sẽ nhận được lượng lớn hàng hóa giao thương, vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng vượt bậc của mảng thương mại hiện đại và bán lẻ qua internet.
Đặc biệt, khu vực Hải Phòng đang được nhận được khá nhiều ưu ái hơn khi các tuyến đường cao tốc, cơ sở hạ tầng kết nối với các khu công nghiệp đang dần được hình thành. Gần nhất là tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được lưu thông vào cuối năm 2015, góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông phía Bắc cùng với các cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên.
Chính vì vậy, thế trận đang đổ dồn vào nhóm doanh nghiệp cảng biển khu vực Hải Phòng với kỳ vọng sẽ tiếp tục là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới. Điểm nhấn đầu tư sẽ thuộc về những doanh nghiệp vừa có cảng mới hoặc những cảng hiện tại đang ở vị trí đắc địa như nước sâu, luồng sông rộng, vùng hạ lưu sông Cấm để tiếp nhận hàng từ những tàu trọng tải lớn.
Với hơn 2 tiếng đồng hồ thảo luận, “Góc nhìn Ngành Kho vận và cảng biển” đã đưa ra nhiều quan điểm, góc nhìn đa chiều và chuyên sâu về ngành: Vị trí, vai trò, tiềm năng phát triển của ngành tại Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, các chuyên gia trong chương trình đã đưa ra những nhận định và khuyến nghị đầu tư có tính nghiên cứu từ kinh nghiệm thực tiễn rât bổ ích không chỉ cho môi giới tham gia chương trình mà còn cho nhà đầu tư tham dự.
Các chuyên gia cùng điều phối viên trong Tọa đàm
“Góc nhìn ngành: Kho vận và cảng biển” là tọa đàm nằm trong chuỗi chương trình Workshop chuyên môn do Trung tâm đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực tại VNDIRECT triển khai tổ chức. Được tổ chức một tháng một lần, chuỗi tọa đàm hứa hẹn nhiều nội dung hấp dẫn với góc nhìn mới về những ngành nghề trọng điểm trong thời gian tới.