Hợp tác cùng phát triển

Cập nhật vĩ mô – Tác động của Covid-19 rõ ràng hơn trong tháng 2

Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 17/03/2020    1086

Chia sẻ

  • Hoạt động kinh tế chịu ảnh hưởng từ phía cung và phía cầu do dịch Covid-19.
  • Chúng tôi kỳ vọng lạm phát bình quân cao hơn trong năm 2020 nhưng vẫn duy trì trong tầm kiểm soát của Chính phủ ở mức dưới 4,0%.
  • Do quan ngại liên quan đến dịch bệnh, chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng kinh tế năm 2020 còn 6,0%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại

Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) phục hồi tăng 6,2% sv cùng kỳ trong T2/2020 (sv mức giảm 5,5% của tháng 1), chủ yếu do hiệu ứng mùa vụ (Tết rơi vào tháng 1 trong năm trước). Tuy nhiên, tăng trưởng SXCN hai tháng đầu năm thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ, cho thấy hoạt động SXCN đã yếu đi đáng kể do tác động của Covid-19. Do các DN nội địa đối diện với sự thiếu hụt nguyên liệu từ Trung Quốc, chúng tôi cho rằng hoạt động sản xuất trong nước sẽ tiếp tục suy giảm trong T3/2020 và có thể kéo dài cho đến khi Trung Quốc trở về công suất sản xuất bình thường.

Xuất khẩu có khả năng tăng trưởng âm trong tháng 3/2020

Hoạt động xuất khẩu tăng 8,9% sv cùng kỳ trong hai tháng đầu năm 2020, trên mức cơ sở thấp của cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ghi nhận mức thặng dư khoảng 2,0 tỷ US$ (sv mức thâm hụt 0,2 tỷ US$ cùng kỳ). Do độ mở của nền kinh tế Việt Nam và sự lây lan nghiêm trọng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, chúng tôi cho rằng mức tăng đạt được trong hai tháng đầu năm sẽ không kéo dài. Tăng trưởng xuất khẩu có thể âm trong các tháng tiếp theo khi tác động dịch bệnh được phản ánh đầy đủ.

Lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục sụt giảm trong tháng 3/2020

Do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi đông người và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng Hai giảm 7,9% sv tháng trước (~414.000 tỷ đồng), phần lớn đến từ việc cắt giảm chi tiêu của khu vực dịch vụ. Trong hai tháng đầu năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tăng 5,4% sv cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố lạm phát). Tuy vậy, chúng tôi cho rằng số liệu tăng trưởng các tháng tiếp theo sẽ kém khả quan do diễn biến gần đây của dịch bệnh tại Việt Nam.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh 21,8% sv cùng kỳ trong T2/2020, trong đó, khách từ Trung Quốc giảm đến 62,4% sv cùng kỳ. Chúng tôi cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi với các quy định hạn chế đi lại từ các vùng có dịch được gia tăng trong tháng 3 khi Covid-19 đã chuyển thành đại dịch trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổng cục thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm 50-60% trong Q1/2020.

Vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm

Trong hai tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút khoảng 6,47 tỷ US$ vốn đăng ký (-23,6% sv cùng kỳ), trong khi đó vốn thực hiện giảm 5,0% sv cùng kỳ, đạt 2,45 tỷ US$. Mặc dù dịch bệnh ở Trung Quốc có vẻ đang được kiểm soát, việc lây lan của virus sang các quốc gia khác đang ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng tâm lý của các nhà đầu tư sẽ cực kỳ e ngại rủi ro trong giai đoạn này, các quyết định đầu tư mới do đó sẽ bị trì hoãn cho đến cuối năm. Chúng tôi ước tính dòng vốn FDI có khả năng sẽ giảm 20-30% trong năm nay.

Tỷ giá ổn định mặc dù rủi ro từ bên ngoài gia tăng

Do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết các đồng tiền trong khu vực Châu Á đều mất giá trong thời gian qua, nổi bật là bath Thái, won Hàn Quốc và rupiah Indonesia. Bất chấp diễn biến trên, đồng Việt Nam đồng chỉ mất giá khoảng 0,1% sv đầu năm. Việc dòng tiền kiều hối chảy về cùng với sự mở rộng của cán cân thương mại đã hỗ trợ tích cực cho sự ổn định của tiền đồng trong bối cảnh rủi ro từ bên ngoài gia tăng và lạm phát cao trong hai tháng đầu năm. Chúng tôi kỳ vọng tiền đồng sẽ tương đối ổn định trước rủi ro dịch bệnh trong bối cảnh Fed cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và Trung Quốc đang dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Xem thêm báo cáo chi tiết TẠI ĐÂY