Báo cáo Chiến lược thị trường Tháng 5/2021 – Rủi ro dần tăng lên
La bàn đầu tư - Chiến lược đầu tư đa kênh tài sản 29/04/2021 2819
- VN-INDEX vượt đỉnh lịch sử và chốt phiên ngày 26/04/2021 tại 1.215,77 điểm, tăng 2,0% sv cuối tháng 3/2021 và tăng 10,1% sv cuối năm 2020.
- Thanh khoản trong tháng 4/2021 lập kỷ lục mới với GTGD bình quân trên 3 sàn đạt xấp xỉ 1 tỷ USD/phiên, tăng gấp 5,6 lần svck khi dòng tiền trong nước tiếp tục đổ mạnh vào TTCK và tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE đã thuyên giảm.
- Định giá thị trường ở mức hợp lý. Tại ngày 26/04/2021, P/E của VN-INDEX ở mức 18,4 lần, cao hơn 11,5% sv mức bình quân 5 năm là 16,5 lần và cao hơn 6,4% sv thời điểm đầu năm 2021. P/E forward 2021 của VN-INDEX đang ở mức 16,3 lần (theo VNDIRECT RESEARCH).
- Những yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 5 bao gồm (1) FED tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và (2) tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Việt Nam phục hồi mãnh mẽ hơn trong tháng 5/2021 và Q2/2021.
- Tuy nhiên thị trường cũng phải đối diện với mối lo ngại “Sell in May and go away”. Tháng 5 là thời điểm trống thông tin của thị trường. Bên cạnh đó, thị trường cũng phải đối diện với một số rủi ro như (1) nguy cơ dịch COVID-19 quay trở lại, (2) lạm phát được dự báo tăng cao trong Q2/2021, (3) margin toàn thị trường đang ở mức cao.
- Chúng tôi cho rằng rủi ro của thị trường đang tăng lên và nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục hơn là kỳ vọng lợi nhuận cao trong tháng 5. Chúng tôi dự báo chỉ số VN-INDEX dao động trong vùng 1.160-1.260 điểm trong tháng 5/2021.
- Chúng tôi nhận thấy một số cổ phiếu tiềm năng trong tháng 5/2021 như MWG, HPG, CTG, SCS, PHP, v.v
Cổ phiếu khuyến nghị
MWG: MWG thông báo lợi nhuận ròng Quý 1/2021 đạt 1.337 tỷ đồng (+18% svck), hoàn thành 24,8% dự phóng cả năm của chúng tôi. Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của MWG sẽ tăng lần lượt 24,5%/37,6% svck trong năm 2021 nhờ (1) Doanh thu BHX trong năm 2021 được dự báo tiếp tục tăng mạnh 56,5% svck và (2) số lượng cửa hàng DMS, một mô hình chuỗi điện tử tiêu dùng (CE) quy mô nhỏ, có thể đạt 902 vào cuối năm 2021 (gần gấp ba so với con số tại thời điểm cuối năm 2020). Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan đối với MWG với giá mục tiêu là 173.000 đồng, tương đương tiềm năng tăng giá là 21,4% và lợi tức cổ phần đạt 1,1% (dựa trên giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 23/4).
SCS: SCS thông báo lợi nhuận ròng Quý 1/2021 đạt 137 tỷ đồng (+13,0% svck), hoàn thành 24,2% dự phóng cả năm của chúng tôi. Với kỳ vọng đường bay quốc tế được mở lại vào cuối Quý 3/2021, chúng tôi dự phóng tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển sẽ tăng 10,3% svck trong năm 2021, trong đó lượng hàng hóa nội địa tăng 6,9% svck và lượng hàng hóa quốc tế tăng 11,5% svck. Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của SCS sẽ tăng lần lượt 17,2%/22,0% svck trong năm 2021 và duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu là 161.400 đồng, tương đương tiềm năng tăng giá 28,1% và lợi tức cổ phần đạt 6,7% (dựa trên giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 26/4).
PHP: Trong giai đoạn 2021-27, chúng tôi kỳ vọng LN ròng của PHP sẽ tăng trưởng ở mức 9,5% CAGR trong đó (1) giai đoạn 2021-22, chúng tôi kỳ vọng LN ròng của PHP sẽ tăng 7,6%/10,2% svck nhờ nhu cầu tăng ở cụm cảng Hải Phòng và giá phí sẽ tăng 5% svck trong năm 2022 theo đề xuất tăng phí dịch vụ cảng biển dự kiến được phê duyệt trong năm 2021, (2) trong giai đoạn 2023-27, chúng tôi dự báo LN ròng của PHP sẽ tăng trưởng kép ở mức 9,8%/năm nhờ cảng nước sâu của PHP đi vào hoạt động. PHP đang giao dịch tại mức P/E 12 tháng là 12,1 lần, chiết khấu 30,4% so với mức bình quân ngành (dựa trên giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 26/4). Chúng tôi khuyến nghị Khả quan đối với PHP với giá mục tiêu là 24.200 đồng, tương đương tiềm năng tăng giá là 46,7% và lợi tức cổ phần đạt 3,3%.
HPG: HPG thông báo lợi nhuận sau thuế Quý 1/2021 đạt 7.005 tỷ đồng (+203,9% svck), hoàn thành 30,7% dự phóng cả năm của chúng tôi. Chúng tôi nâng EPS dự phóng năm 2021–23 lên 32,8%-46,3% nhờ việc 1) tăng 13,3%–18,8% giả định giá bán thép do đà tăng giá mạnh mẽ của các mặt hàng thép kể từ đầu năm và 2) tăng 16,4%–20% dự phóng sản lượng tiêu thụ thép sau khi HPG ghi nhận sản lượng bán HRC ấn tượng vài tháng gần đây. HPG đang giao dịch ở mức P/E dự phóng năm 2021 là 8,9 lần, thấp hơn 21,2% sv mức trung vị của các doanh nghiệp thép trong khu vực. Do đó, chúng tôi cho rằng định giá vẫn còn hấp dẫn do HPG sở hữu hiệu suất sinh lời vượt trội sv các đối thủ khác. Chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan và nâng giá mục tiêu đối với HPG lên 65.400 đồng, tương đương tiềm năng tăng giá 18,7% và lợi tức cổ phần đạt 0,8% (dựa trên giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 26/4).
CTG: Chúng tôi dự báo LN ròng tăng trưởng kép 24% giai đoạn 2021-23, được thúc đẩy bởi 1) tăng trưởng kép cho vay 8%/năm; 2) NIM tăng 10 điểm cơ bản nhờ định hướng cho vay bán lẻ; và 3) thu nhập ngoài lãi đạt CAGR 23%. Chúng tôi dự phóng chi phí dự phòng giảm bình quân 7% trong năm 2021-23 từ mức tăng 13,3% trong 2017-20 sau khi CTG đã thanh lý hết trái phiếu VAMC năm 2020. CTG đang giao dịch tại mức 1,5x P/B 2021 (dựa trên mức giá đóng cửa phiên 26/4), thấp hơn một chút so với trung bình ngành. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ cơ hội/rủi ro đủ hấp dẫn với 1 ngân hàng có quy mô lớn và có ROE trung bình 2021-22 ở mức 19%. Chúng tôi phát hành báo cáo lần đầu với khuyến nghị Khả quan đối với CTG với giá mục tiêu 53.700đ/cp, tương đương tiềm năng tăng giá 35,3% và lợi tức cổ phần đạt 1,3%.
Đọc báo cáo chi tiết tại đây