Cập nhật vĩ mô – Thận trọng với những rủi ro tiềm ẩn
Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 16/03/2022 1446
- Chúng tôi cho rằng xung đột Nga-Ukraine có tác động trực tiếp không lớn đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên những tác động gián tiếp đang tăng lên.
- Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP trong Q1/22 và cả năm 2022 lần lượt ở mức 5,5% và 7,5% nhờ nhu cầu trong nước hồi phục và dòng vốn FDI mạnh
Nền kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét hơn trong tháng 2
Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) của Việt Nam đã tăng 8,5% svck T2/22, cao hơn mức tăng trưởng 2,8% svck của tháng trước. Chỉ số PMI tháng 2 của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng là 54,3 điểm (so với 53,7 điểm vào T1/22), cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục được mở rộng đáng kể trong tháng qua. Trong khi đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng T2/22 đạt 421,8 nghìn tỷ đồng (+3,1% svck), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú-ăn uống và doanh thu lữ hành tăng mạnh lần lượt 12,6% svck và 39,4% svck nhờ hàng không và du lịch mở cửa trở lại.
Tác động trực tiếp không lớn, tuy nhiên rủi ro gián tiếp là thách thức lớn
Do xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và Ukraine chỉ chiếm 1,1% tổng xuất khẩu của Việt Nam, và Nga cũng như Ukraine cũng không phải là thị trường xuất khẩu chính cho bất kỳ sản phẩm nào của Việt Nam, chúng tôi cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine có tác động trực tiếp không lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài, tác động gián tiếp đến thương mại của Việt Nam sẽ lớn hơn bởi nhu cầu từ EU và Mỹ sụt giảm do tăng trưởng kinh tế suy yếu. Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine có thể khiến các dự án năng lượng của Nga tại Việt Nam tiếp tục bị đình trệ.
Áp lực lạm phát gia tăng nhưng trong tầm kiểm soát
Chúng tôi nhận thấy rủi ro lạm phát đang tăng lên do tác động của xung đột Nga-Ukraine. Việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm có thể tác động đến giá thành sản xuất của Việt Nam trong khi giá phân bón và nông sản (lúa mì, ngô) tăng cũng gây áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay thông qua việc giảm thuế để kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu. Ngoài ra, Chính phủ có thể giảm giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, như điện, học phí, hoặc phí dịch vụ y tế để giảm áp lực lạm phát. Nhìn chung, chúng tôi duy trì dự báo CPI bình quân năm 2022 ở mức 3,45% svck. Mặc dù rủi ro lạm phát gia tăng là hiện hữu, chúng tôi giữ nguyên nhận định là NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt đến ít nhất là cuối quý 2/22 để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Chúng tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong Q1/22
Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Q1/22 không đổi ở mức 5,5% svck (+/-0,3% điểm phần trăm). Trong cả năm 2022, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam ở mức 7,5%.
Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây