Ngành Ngân hàng – Chất lượng tài sản là điều kiện tiên quyết
Báo cáo ngành 09/03/2023 1890
- Thị trường bất động sản ảm đạm sẽ tác động tiêu cực lên ngành ngân hàng khi rủi ro tín dụng gia tăng và chất lượng tài sản suy yếu.
- Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại và đạt 11% svck trong năm 2023-24 (từ mức 34% svck năm 2022).
- Cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng một khi chất lượng tài sản có dấu hiệu cải thiện. Cổ phiếu ưa thích: CTG và ACB.
Căng thẳng thanh khoản đã phần nào dịu bớt
Cuối năm 2022, ngành ngân hàng vẫn đối mặt với hiện tượng căng thẳng thanh khoản khi tăng trưởng cung tiền thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng; và hệ số LDR của các ngân hàng đều tăng lên đáng kể so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, áp lực này đã phần nào dịu bớt khi (1) lãi suất hạ nhiệt trước thông điệp “bớt diều hâu” hơn từ FED và nỗ lực hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) qua việc tích cực mua vào ngoại tệ; và (2) tác động của Thông tư 26/2022.
Thị trường BĐS ảm đạm ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng tài sản
Triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng hiện nay. Khả năng huy động vốn từ phát hành TPDN bị hạn chế và doanh số ký bán suy yếu đã khiến cho các doanh nghiệp BĐS rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền một cách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lên khả năng trả nợ và theo đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản cũng như rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong năm nay.
Các ngân hàng đưa ra kế hoạch thận trọng trong 2023
Trước những khó khăn của ngành, các ngân hàng đã đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2023: VCB chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12% svck. VIB, một ngân hàng có lợi thế trong mảng bảo hiểm (banca), chỉ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 15% svck. Có thể nói banca không còn là “con gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng trong năm nay do (1) kinh tế suy yếu làm giảm nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm và (2) các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh hơn việc thanh tra hoạt động banca.
Diễn biến chất lượng tài sản là “kim chỉ nam” đối với cổ phiếu ngân hàng
Chúng tôi tin rằng lo ngại về chất lượng tài sản xấu đi là lý do chính khiến nhà đầu tư có tâm lý “dè chừng” với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện. Vì vậy, một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, theo quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng bức tranh toàn ngành sẽ tích cực hơn vào nửa cuối 2023, khi áp lực tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt, thanh khoản cải thiện cùng với hiệu lực của Nghị định 8/2023. Về ngắn hạn, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng và ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và đa dạng hóa danh mục cho vay), như CTG và ACB.
Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây