Hợp tác cùng phát triển

LPB – Tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm tốc trong 2 năm tới – Cập nhật

Báo cáo phân tích DN 23/03/2023    985

Chia sẻ

  • Chúng tôi dự phóng tăng trưởng cho vay của LPB sẽ giảm nhẹ xuống 12% svck trong 2023-24 từ mức gần 13% svck trong 2022.
  • NIM chịu áp lực giảm và rủi ro tín dụng gia tăng sẽ là những khó khăn lớn nhất cho ngân hàng. Chúng tôi dự phóng tăng trưởng lợi nhuận (LN) ròng sẽ giảm tốc xuống 8%/14% svck trong 2023-24, từ mức 57% trong 2022.
  • Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 17.400 đồng/cp

Giá thị trường

Giá mục tiêu

Tỷ suất cổ tức

Khuyến nghị

Ngành

VND14.800

VND17.400

0%

Khả quan

                 Tài chính

2023-24: LN vẫn tăng trưởng bất chấp khó khăn liên quan đến NIM/dự phòng

Trong 2 năm tới, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của LPB sẽ đạt 12%/năm và NIM sẽ giảm 25 điểm cơ bản xuống ~3,8% từ ~4,0% trong 2022 (mức cao nhất được ghi nhận trong 5 năm qua). Chúng tôi đưa khoản phí trả trước từ thương vụ banca vào mô hình, đồng thời tăng dự phóng chi phí dự phòng trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều thách thức. Tựu lại, chúng tôi tăng dự phóng LN ròng trong 2023-24 thêm 7-8% lên lần lượt 4,9 nghìn tỷ đồng/5,6 nghìn tỷ đồng. Với dự phóng mới, tăng trưởng LN vẫn tương đối tốt ở mức 8%/14% từ nền cao năm 2022.

Cho đến cuối 2022, chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt

Tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng 6 điểm cơ bản sv quý trước và 13 điểm cơ bản svck lên 1,5% vào cuối 2022. Trong cả 2022, ngân hàng đã sử dụng dự phòng để xử lý 1,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu (+237% svck), tương ứng với tỷ lệ 0,6% trên dư nợ cho vay (+42 điểm cơ bản svck). Gần 70% tổng giá trị nợ xấu được xử lý nằm trong Q4/22; và chúng tôi cho rằng LPB đã tận dụng khoản phí trả trước để xử lý nợ xấu mạnh tay hơn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tiếp tục ổn định ở mức 142% vào cuối 2022 sv 114% vào cuối 2021. LPB hiện không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và hạn chế cấp tín dụng cho các DN bất động sản (0,42% tổng dư nợ vào Q2/22). Tuy nhiên, chúng tôi dự báo chi phí dự phòng vẫn sẽ cao trong 2023-24 ở mức 3,0 nghìn tỷ đồng/3,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng với ~1,2% dư nợ cho vay (sv 1,4% trong 2022).

LPB có thể mất phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thoái vốn

VNPost dự kiến bán đấu giá 140,5 triệu cổ phần LPB (tương đương 8,1% vốn điều lệ) vào ngày 21/04/23. Theo một số hãng tin, NHNN đã công bố dự thảo thông tư quy định khi VNPost giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, các phòng giao dịch (PGD) bưu điện của LPB sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm và phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đã nhận trước đó. Các PGD bưu điện sẽ đóng cửa sau khi các khoản tiền gửi được chi trả. Dựa trên dữ liệu năm 2021, LPB vận hành 613 PGD bưu điện, một con số đáng kể, bên cạnh 76 chi nhánh và 480 PGD thông thường. Chúng tôi lưu ý rằng các PGD bưu điện từ lâu đã được coi là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của LPB. Chúng tôi không rõ hiện có bao nhiêu tiền gửi nằm ở các PGD bưu điện này để đánh giá toàn bộ tác động nhưng chúng tôi kỳ vọng ban lãnh đạo sẽ chia sẻ rõ hơn tại kỳ họp ĐHCĐ sắp tới.

Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 17.400 đồng/cp

LPB hiện đang giao dịch ở mức P/B năm 2023 chỉ 0,9 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3 năm là 1,2 lần. Ở mức định giá này, chúng tôi tiếp tục nhận thấy giá trị dài hạn của cổ phiếu. Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 17.400 đồng/cp. Tiềm năng tăng giá bao gồm (1) NIM cao hơn kỳ vọng và (2) phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến và (2) dự phòng nợ xấu cao hơn dự kiến.

Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây