Hợp tác cùng phát triển

VNDIRECT ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN NHẬN ĐỊNH TRIỂN VỌNG PHỤC HỒI KINH TẾ NĂM 2023

Tin tức VNDIRECT 30/06/2023    2045

Chia sẻ

Diễn đàn DINSIGHTS tháng 6 với chủ đề “Triển vọng phục hồi với các chính sách điều hành hỗ trợ phục hồi kinh tế năm 2023” đã diễn ra với sự tham gia của đại diện các cơ quan, các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, nhằm cung cấp cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp lăng kính quan sát và góc nhìn đa chiều về triển vọng phục hồi, phát triển.

Theo dõi đầy đủ chương trình tại đây: https://bit.ly/DINSIGHTS_T6_2023

2022 là một năm đầy biến động với thị trường tài chính trong nước cũng như nước ngoài, các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới liên tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau Covid. Sang năm 2023, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, tiêu dùng và thị trường bất động sản bị ảnh hưởng, Chính phủ và NHTW đã liên tục quyết liệt chỉ đạo các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy đầu tư công, nới lỏng lãi suất hỗ trợ. Với mục đích cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp lăng kính quan sát và góc nhìn đa chiều về bối cảnh và diễn biến của thị trường, từ đó nhận diện được cơ hội rủi ro trên con đường khởi nghiệp, diễn đàn DINSIGHTS tháng 6, với sự phối hợp tổ chức giữa Chi nhánh Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tại Nghệ An (VCCI) và  Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT được tổ chức, sẽ mang tới cho cộng đồng góc nhìn chuyên sâu từ  phía các chuyên gia.

TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ tại chương trình

Tham dự chia sẻ tại diễn đàn, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đã có những nhận định về bức tranh kinh tế thế giới giữa những quan điểm trái chiều về việc nền kinh tế thế giới liệu đã bước qua giai đoạn khó khăn. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, có 3 khuynh hướng sẽ diễn ra:

  • Thứ nhất, EU vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng nhẹ hơn, còn Mỹ đang dần chuyển sang giai đoạn nới lỏng; 
  • Xu thế 2 là xu thế đa cực thay vì một thế giới đơn cực như trước đây, và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã cho chúng ta thấy rõ xu thế này là tất yếu. Thế giới đa cực với đặc điểm: đa đồng tiền của thanh toán quốc tế và dự trữ ngân hàng TW, cạnh tranh giữa các nền kinh tế công bằng hơn, việc cấm vận, chèn ép không còn nhiều gia trị. Từ đó, thay vì đồng Đô la là đồng tiền thanh toán quốc tế chủ yếu, dần dần số lượng đồng tiền tham gia vào thanh toán quốc tế ngày một gia tăng. Hệ quả tất yếu đồng Đô la nhất định giảm giá dẫn tới sức ép về tỉ giá hối đoái đối với đồng Việt Nam sẽ giảm đi. Nhờ vậy, hành động và chính sách của để nâng giá trị đồng Việt Nam không còn cần thiết. Ông nhấn mạnh đây là cơ hội vô cùng quan trọng để giảm lãi suất để phục hồi kinh tế, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, và các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý quan sát xu hướng này đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu;
  • Xu hướng thứ 3 là xu hướng kinh tế xanh. Ông cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng nhận thức nhu cầu kinh tế toàn cầu đang xanh trở lại, và các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt kịp xu thế này. Đây vừa là thách thức với doanh nghiệp kinh doanh truyền thống nhưng mang lại cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ với các doanh nghiệp kinh tế xanh.

Đại diện các chuyên gia tham dự diễn đàn

Đồng tình với những nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Vũ Long – Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ: “Theo quan sát của định chế tài chính trung gian như VNDIRECT, năm 2022 nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn, chúng ta đã điều chỉnh chính sách thắt chặt dẫn đến mặt bằng lãi suất lên cao. Đây môi trường thách thức cho doanh nghiệp, cần quan tâm các chỉ báo vĩ mô và cân nhắc thận trọng về tốc độ kinh doanh”. Ông chia sẻ thêm về khả năng tiếp cận thị trường vốn của doanh nghiệp hiện nay, tại Việt Nam, tín dụng ngân hàng là một kênh truyền thống, tuy nhiên vốn tín dụng ngân hàng trong thực tế là vốn tập trung trong ngắn hạn, còn thị trường vốn mới là kênh có thể dẫn vốn cho doanh nghiệp trong dài hạn. 

Là một dẫn chứng cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn từ rất sớm, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh – Tổng giám đốc Công ty CP Tập Đoàn Cienco4, đã đưa một doanh nghiệp từng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn, sau hơn 5 năm tiếp cận thị trường vốn đã cân đối lại tài chính, tăng gần 20 lần vốn chủ sở hữu với tổng tài sản giữ nguyên, giúp doanh nghiệp có sự vững vàng trước những biến động của thị trường. Theo ông, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, bởi hầu hết các địa phương, bộ ngành, cơ quan từ Trung Ương và địa phương đều coi là vấn đề then chốt.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh – Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco 4

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cũng nhận định, từ nay, đầu tư công đang gặp thuận lợi với thanh khoản tốt, dung lượng phát triển hứa hẹn trong tương lai. Chưa bao giờ tốc độ giải phóng mặt bằng nhanh như hiện nay. Học hỏi kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh trong việc đầu tư nguồn lực cho việc giải phóng mặt bằng, các doanh nghiệp xây dựng cần đồng hành cùng địa phương trong việc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đứng từ góc độ định chế trung gian giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn như trường hợp của Cienco4, Ông Nguyễn Vũ Long đã chỉ ra điều kiện quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường vốn, không phải là quy mô lớn hay nhỏ, mà là năng lực quản trị doanh nghiệp và các chuẩn mực kinh doanh. Doanh nghiệp cần phải có chuẩn mực quản trị, chuẩn mực về kế toán tài chính, quản trị nhân sự càng sớm càng tốt. Với các doanh nghiệp tại địa phương, VNDIRECT mong muốn có nhiều cơ hội để chia sẻ cho các doanh nghiệp tiếp cận với các chuẩn mực quản trị để đảm bảo tính minh bạch, có bước đệm để phát triển khi thị trường hồi phục và xuất hiện các cơ hội mới.

Cuối cùng, với địa phương có nhiều doanh nghiệp địa phương như tỉnh Nghệ An, theo các chuyên gia của diễn đàn, một điểm cốt yếu của vấn đề giải ngân đầu tư công là thủ tục hành chính. Các địa phương cũng cần giải quyết hiệu quả vấn đề thủ tục hành chính qua chiến lược số hóa. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc đầu tư về đề số hóa trong quản trị doanh nghiệp; để đón đầu xu thế, nâng cao hiệu quả quản trị, từ đó gia tăng cơ hội tiếp cận tới thị trường vốn để đảm bảo tăng trưởng kinh doanh.

Diễn đàn DINSIGHTS tháng 6 “Triển vọng phục hồi với các chính sách điều hành hỗ trợ phục hồi kinh tế năm 2023” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương về xu hướng kinh tế trong thời gian tới cũng như các hành động kịp thời để tiếp cận thị trường vốn, nâng cao năng lực quản trị và phát triển kinh doanh.

Theo dõi đầy đủ chương trình: Tại Đây