Hợp tác cùng phát triển

ACB – Ổn định giữa “cơn gió ngược” – Cập nhật

Báo cáo phân tích DN 25/05/2023    1175

Chia sẻ

  • Lợi nhuận (LN) ròng trong Q1/23 của ACB tăng mạnh 25,8% svck, đạt 4.135 tỷ đồng, hoàn thành 26,6% dự phóng năm 2023 của chúng tôi.
  • Chúng tôi dự phóng LN ròng của ACB sẽ tăng 14-15% trong giai đoạn 2023-24 (giai đoạn 2020-22 tăng trưởng kép 33,5%).
  • Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi 30.000đ/cp

Giá thị trường

Giá mục tiêu

Tỷ suất cổ tức

Khuyến nghị

Ngành

VND25.150

VND30.000

0%

Khả quan

                 Tài chính

Lợi nhuận Q1/23 tăng mạnh nhờ tỷ lệ chi phí/thu nhập cải thiện…
LN ròng của ACB trong Q1/23 tăng mạnh 25,8% svck lên 4.135 tỷ đồng (hoàn thành 26,6% dự phóng năm 2023 của chúng tôi) nhờ tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập hoạt động cải thiện (32% sv mức 40% trong Q1/22). Mặc dù ghi nhận 256 tỷ đồng chi phí dự phòng trong Q1/23 (so với mức hoàn nhập 2,84 tỷ trong Q1/22), tỷ lệ dự phòng/LN trước dự phòng của ACB chỉ là 4,7% – thấp hơn so với các quý trong 2020-21 (lưu ý trong năm 2022 ACB đã hoàn nhập dự phòng mạnh mẽ).

…dù cho tăng trưởng cho vay chậm lại rõ rệt
Mặc dù NIM duy trì ổn định và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt (+21% svck), tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 15,6% svck – thấp hơn nhiều so với tăng trưởng LN ròng do tăng trưởng cho vay chậm lại (+8,2% svck – Hình 6). Nền kinh tế suy yếu đã làm giảm nhu cầu chi tiêu và khả năng trả nợ của các cá nhân, theo đó giảm nhu cầu vay vốn. Trong điều kiện kinh tế hiện tại, các ngân hàng cũng sẽ thận trọng hơn khi cho vay nhóm đối tượng này để giảm rủi ro nợ xấu. Với mô hình kinh doanh ngân hàng bán lẻ, dư nợ tín dụng của ACB cuối Q1/23 đã thu hẹp 1% sv đầu năm. Chất lượng tài sản cũng cho thấy những tín hiệu kém tích cực vào cuối Q1/23 (hình 6). Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng mọi thứ sẽ khả quan hơn từ nửa cuối năm 2023 nhờ (1) lãi suất hạ nhiệt; và (2) tác động của các chính sách hỗ trợ.

Tiếp tục duy trì chiến lược kinh doanh thận trọng
ACB được biết đến là NH có mô hình kinh doanh thận trọng, thể hiện qua danh mục tài sản lành mạnh không có trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Mặt khác, tỷ trọng cho vay bất động sản (BĐS) chủ yếu đến từ cho vay mua nhà (khoảng 22% vào cuối 2022), chứ không tập trung nhiều vào các DN BĐS. Ngoài ra, thanh khoản cũng được củng cố khi ACB tích cực đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn từ vay liên ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi bên cạnh tiền gửi khách hàng (hình 6). Về tiền gửi, khách hàng cá nhân đang có xu hướng “tiết kiệm tiền” trong bối cảnh môi trường lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế yếu (tiền gửi cá nhân tiếp tục tăng trưởng tốt – xem báo cáo tại đây). Xu hướng này sẽ có lợi cho thanh khoản của các ngân hàng có tiền gửi cá nhân lớn trong tổng huy động như ACB (khoảng 80% tổng nguồn vốn).

Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu 30.000 đồng/cp
Chúng tôi kỳ vọng LN ròng của ACB sẽ tăng trưởng 14%/15% svck trong 2023-24 (tăng trưởng kép 2020-22 là 33,5%). Hiện tại, ACB đang giao dịch ở mức 1,2 lần P/B 2023 (so với mức trung bình ngành là 1,4 lần), ngang mức -1 độ lệch chuẩn P/B trung bình 3 năm. Với khả năng sinh lời cao và bảng cân đối kế toán lành mạnh, ACB vẫn là cổ phiếu tiềm năng để tích lũy cho mục tiêu tăng trưởng cao và sinh lời bền vững trong dài hạn. Giá mục tiêu của chúng tôi đưa ra dựa trên tỷ trọng bằng nhau giữa phương pháp P/B mục tiêu là 1,4 lần và phương pháp thu nhập thặng dư (COE: 14,8%, LTG: 3%). Rủi ro giảm giá bao gồm (1) lãi suất vẫn duy trì cao hơn dự kiến và (2) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.

Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây