Hợp tác cùng phát triển

Báo cáo thị trường tiền tệ – Lãi suất có thể tạo đỉnh trong Q1/23

Báo cáo vĩ mô 15/02/2023    510

Chia sẻ

  • Fed thu hẹp mức tăng lãi suất điều hành xuống 0,25 điểm % trong cuộc họp mới nhất (1/2/2023) sau một năm với những bước tăng lớn hơn.
  • Theo ước tính của chúng tôi, NHNN đã mua khoảng 3,6 tỷ USD dự trữ ngoại hối kể từ đầu năm 2023.
  • Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam giảm mạnh lần lượt 42 và 38 điểm cơ bản trong T1/23.
  • Lãi suất huy động của các NHTM đi ngang trong T1/23.

Thị trường kỳ vọng FED dừng tăng lãi suất điều hành sau cuộc họp T5/23

Fed thu hẹp mức tăng lãi suất điều hành xuống 0,25 điểm % trong cuộc họp chính sách mới nhất (1/2/2023) sau một năm với những bước tăng lớn hơn. Cho dù chủ tịch Fed phát biểu rằng còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu lạm phát cũng như có thể sẽ có thêm một vài đợt nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới, thị trường vẫn tin rằng “Chu kỳ thắt chặt tiền tệ sắp kết thúc”. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất điều hành thêm tổng cộng 50 điểm cơ bản tại hai cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 và tháng 5 tới (mỗi lần 25 điểm cơ bản), rồi ngừng tăng lãi suất sau đó. Như vậy, thị trường kỳ vọng đỉnh chu kỳ tăng lãi suất của Fed là 5,25%, không thay đổi so với dự báo trước đó.

NHNN nâng dự trữ ngoại hối trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm bớt

Việc đồng USD suy yếu đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá VND trong T1/23. Cụ thể, vào ngày 31/01/2023, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống còn 23.450, từ mức 23.633 hồi 31/12/2022. Theo ước tính của chúng tôi, NHNN đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD dự trữ ngoại hối kể từ đầu năm 2023.

Lợi suất TPCP Việt Nam giảm, lãi suất tiền gửi đi ngang trong T1/23

Tính đến cuối T1/23, trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam (TPCP) kỳ hạn 5 năm và 10 năm của Việt Nam đã giảm 42 và 38 điểm cơ bản svck, về mức 3,8% và 4,1%. Trên thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và 15 năm giảm lần lượt 45 và 40 điểm cơ bản so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1/2023. Tính đến cuối T1/23, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh lần lượt là 7,4% và 8,2%. Theo quan sát của chúng tôi, xu hướng đảo chiều của lợi suất TPCP thường báo hiệu bước ngoặt của lãi suất tiền gửi.

Xu hướng tăng của lãi suất có thể tiệm cận điểm đảo chiều trong Q1/23

Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động đạt đỉnh vào Q1/23 và hạ nhiệt kể từ Q2/23, dựa trên các lập luận sau: (1) Lãi suất điều hành của Fed đạt đỉnh vào Q2/23, giúp giảm áp lực lên tỷ giá và lãi suất của Việt Nam, (2) NHNN sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản cho thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, (3) nhu cầu tín dụng chậm lại do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm. Chúng tôi hạ dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 7,5%/năm vào cuối năm 2023, thấp hơn dự báo trước đó là 8,0-8,5%/năm.

NHNN nỗ lực hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

NHNN cho biết các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác. Do đó, chúng tôi cho rằng sẽ có ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng (NIM) để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai. Hiện NIM bình quân của các NHTM Việt Nam vào khoảng 3,2%-3,4%, khá cao so với các NHTM các nước trong khu vực như Thái Lan (NIM bình quân từ 2,7%-3,0%); Malaysia (2-2,3%); Trung Quốc (~2%); Singapore (~1,6%).

Đọc báo cáo đầy đủ tại: Đây