Báo cáo Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp Việt Nam 6T2020
Báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam 31/07/2020 6338
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sôi động trở lại trong tháng 6/2020; giá trị phát hành riêng lẻ tăng 56,8% so với tháng trước đó.
- Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 168 nghìn tỷ đồng, tăng 88,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Lãi suất có xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2020.
Thị trường Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sôi động trở lại trong T6/2020
Trong tháng 6/2020, có 46 doanh nghiệp phát hành 42.474 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, tăng 56,8% so với tháng 5; tỷ lệ phát hành thành công đạt 69,6%, tăng 5,5% so với tháng 5. Tháng 6 không phát sinh đợt phát hành trái phiếu ra công chúng nào.
Những doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng 6 là NH đầu tư và phát triển Việt Nam (BID) với 6.174 tỷ đồng, NH TMCP Phát Triển Nhà TP Hồ Chí Minh (HDB) với 4.500 tỷ đồng và NH TMCP Phương Đông (OCB) với 3.735 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt mức 168.328 tỷ đồng, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 156.328 tỷ đồng, tăng 88,1% so với mức 89.480 tỷ đồng năm ngoái.
Nhà đầu tư tổ chức vẫn là chủ thể chính tham gia mua TPDN trên thị trường sơ cấp với tỷ trọng đầu tư bình quân khoảng 81,3%, Trong tháng 6, nhóm nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm tỷ trọng 18,7%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhà đầu tư tổ chức tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chiếm tỷ trọng đầu tư bình quân khoảng 89,6%, trong đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm tỷ trọng 10,4%.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trong quý II, đặc biệt trong tháng 6 là do thông tin về nghị định số 81/2020/NĐ-CP về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 quy định về phát hành TPDN”. Nghị định mới này sẽ thắt chặt hơn điều kiện phát hành TPDN trong thời gian tới, do đó doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu riêng lẻ trước khi nghị định này có hiệu lực trong tháng 9. Bên cạnh đó, mặc dù COVID-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai vẫn còn cao trên thế giới, do đó các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân hiện nay vẫn ưu tiên các kênh đầu tư có mức độ an toàn cao như tiền gửi NH và trái phiếu.
Cơ cấu thị trường trái phiếu Việt Nam phát hành theo ngành
Trong tháng 6, tổng giá trị phát hành của nhóm Tài chính – Ngân hàng tăng tới 52% so với tháng 5, từ mức 13.822 tỷ đồng lên mức 21.399 tỷ đồng, chiếm tới 50,4% tổng giá trị phát hành. Trong đó chủ yếu là các NH với tổng giá trị phát hành đạt 20.536 tỷ đồng, còn lại 863 tỷ đồng từ các công ty tài chính khác như CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (300 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán VNDSIRECT (300 tỷ đồng), v.v…
Ngành Bất Động Sản ghi nhận tổng giá trị phát hành là 10.981 tỷ đồng, tăng 50,9% so với tháng 5 và chiếm 25,9% giá trị phát hành.
Nhóm Tập đoàn đa ngành có tổng giá trị phát hành đạt 2.470 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tháng trước, chiếm 5,8% tổng giá trị phát hành.
Lũy kế 6 tháng, lượng trái phiếu phát hành của nhóm Bất Động Sản dẫn đầu với giá trị 197,5 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai là nhóm Tài chính – Ngân hàng với tổng giá trị phát hành thành công là 189,2 nghìn tỷ đồng; nhóm Tập đoàn đa ngành đứng thứ ba với tổng giá trị phát hành đạt mức 41,3 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, thị trường trái phiếu Việt Nam trong Quý 2 năm 2020, giá trị phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng tăng tới 17 lần sv Quý 1, đạt mức 178,7 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính có thể lý giải việc ngân hàng tăng mạnh phát hành trái phiếu trong Quý 2 đó là (1) nhằm tăng vốn cấp hai để đáp ứng các quy định về an toàn vốn trong thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước và (2) nhằm bù đắp phần vốn thiếu hụt từ các khoản thu hồi nợ đến hạn đáng lý phải trở lại ngân hàng, tuy nhiên vì dịch COVID-19 xảy ra mà phải thực hiện giãn, hoãn trả nợ cho khách hàng.
Trong Quý 2, nhiều ngân hàng đã phát hành trái phiếu nhằm tăng vốn cấp hai nhằm bảo toàn nguồn vốn, đảm bảo tính thanh khoản. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh COVID-19 khó kiểm soát trong Quý 2, một số khoản vay chưa được trả đúng hạn, khiến thị trường trái phiếu của nhóm ngành ngân hàng sôi động hơn so với quý trước.
Xu hướng về kỳ hạn & lãi suất ở thị trường trái phiếu Việt Nam
Trong tháng 6, có 135 đợt phát hành Trái phiếu doanh nghiệp thành công. Các doanh nghiệp có xu hướng tập trung ở các kỳ hạn ngắn, với 42 đợt phát hành trái phiếu thành công ở kỳ hạn 3 năm và 24 đợt phát hành trái phiếu thành công ở kỳ hạn 2 năm.
Với nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng, tháng 6 có 45 đợt phát hành, trong đó 23 đợt phát hành có kì hạn từ 3 năm trở xuống. Lãi suất của các đợt phát hành này dao động trong khoảng từ 5% đến 12,5%.
Với nhóm ngành Bất Động Sản, kỳ hạn 2 và 3 năm chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 70% với lãi suất từ 10-12%.
Với nhóm Tập đoàn đa ngành, 15 đợt phát hành trong tháng 06 có lãi suất trung bình là 9,6%/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, kỳ hạn trung bình của trái phiếu doanh nghiệp tập trung ở kỳ ngắn hạn, với lãi suất trung bình trong khoảng từ 8,4% tới 10,9%.