Hợp tác cùng phát triển

BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU NĂM 2021

Báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam 19/01/2022    10835

Chia sẻ

  • Tổng giá trị Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong Quý 4 đạt 189.652 tỷ đồng, giảm 7,6% so với quý trước (sv quý trước).
  • Giá trị TPDN phát hành cả năm 2021 ước đạt 623.616 tỷ đồng, tăng mạnh 34,8% so với năm 2020.
  • Thị trường Trái phiếu Chính phủ (TPCP) duy trì khối lượng phát hành ổn định với tỷ lệ trúng thầu trong Quý 4 đạt 72,2%.

THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP QUÝ 4/2021

Thị trường sơ cấp: chậm lại trong thời điểm cuối năm

Tổng giá trị TPDN phát hành trong Q4/21 đạt mức 189.652 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,6% sv quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 105,1%. Trong đó, tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và công chúng lần lượt là 91,2% và 8,8%.

Trong quý 4, có 122 doanh nghiệp (DN) phát hành tổng cộng 172.898 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm 14,2% sv quý trước. Các DN có giá trị phát hành (GTPH) trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý đều thuộc nhóm Ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (12.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (10.220 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (9.970 tỷ đồng).

Trong Q4/21, 8,8% giá trị TPDN được phát hành ra công chúng (tăng 340,9% sv quý trước); 3 DN có giá trị phát hành lớn nhất gồm Ngân hàng Công thương Việt Nam (6.513 tỷ đồng), CTCP Vinhomes (4.370 tỷ đồng), Ngân hàng
Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2.171 tỷ đồng).

Trong quý 4, Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 47,7% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 82.418 tỷ đồng (tăng 5,4% sv quý trước). Ngoài 3 Ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất kể trên, các tổ chức tài chính khác có giá trị phát hành lớn nhất bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư IPA (2.000 tỷ đồng), Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (1.450 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (510 tỷ đồng),… Lãi suất TPDN các ngân hàng vẫn ở mức thấp, dao động trong khoảng 2,4% – 8,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất của các Tổ chức tài chính cao hơn, dao động trong khoảng từ 4% – 12%/năm.

Bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 31,2% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 53.991 tỷ đồng (giảm 38,0% sv quý trước). Các doanh nghiệp BĐS phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Thái Sơn – Long An (4.600 tỷ đồng), CTCP Osaka Garden (4.300 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Sun Valley (3.560 tỷ đồng)… Lãi suất TPDN bất động sản ở mức khá cao so với lãi suất tiền gửi, phổ biến trong khoảng 8,7% – 12,5%/năm.

Nhóm Tập đoàn đa ngành chiếm 2,9% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 4, tương đương 5.080 tỷ đồng (tăng 11,2% sv quý trước). Hai tập đoàn đa ngành có giá trị phát hành lớn nhất bao gồm: CTCP SOVICO (4.000 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (360 tỷ đồng).

Các ngành khác chiếm 18,2% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý, tương đương 31.409 tỷ đồng (giảm 0,7% sv quý trước). Đáng chú ý có: CTCP Masan Meatlife phát hành 7.284 tỷ đồng với lãi suất 2,0%/năm và Công ty Sản xuất và Kinh Doanh Vinfast phát hành 5.000 tỷ đồng với lãi suất 9,0%.

Nhìn chung TPDN tiếp tục ghi nhận đà tăng mạnh mẽ trong năm 2021
Năm 2021 tiếp tục là một năm thăng hoa của thị trường TPDN, qua đó từng bước trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nền kinh tế. Tổng giá trị TPDN phát hành đạt 623.616 tỷ đồng, tăng 34,9% sv năm 2020; trong đó là 583.371 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (+36,0% svck) và 40.246 tỷ đồng phát hành ra công chúng (+19,3% svck). Trong đó Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về GTPH năm 2021, chiếm 42,0% tổng GTPH, tăng 83,8% svck. Nhóm ngành Bất động sản chiếm 34,8% tổng GTPH, tăng 36,2% sv năm 2020. Nhóm Tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm lần lượt 4,9% và 18,4% tổng GTPH trong năm 2021, giảm 22,0% và 6,1% svck. Đáng chú ý, hai doanh nghiệp có GTPH của 2 ngành Ngân hàng và Bất động sản lần lượt là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (27.000 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Địa ốc No Va (14.123 tỷ đồng).
Lãi suất TPDN có xu hướng giảm nhẹ trong năm 2021. Chúng tôi cho rằng diễn biến này đồng pha với xu hướng của lãi suất tiền gửi.

Thị trường TPDN thứ cấp
Hiện nay, các giao dịch TPDN thứ cấp tại Việt Nam được thực hiện qua 3 hình thức chính: (i) niêm yết trên HSX; (ii) nền tảng giao dịch của các đơn vị phân phối và (iii) thỏa thuận trên thị trường OTC.

Tổng giá trị giao dịch TPDN trong quý 4 đạt mức 11.041,4 tỷ đồng, giảm 26,5% sv quý trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 167,3 tỷ đồng/phiên, giảm 28,7% sv quý trước. Giá trị giao dịch bình quân trong năm 2021 là 195,4 tỷ đồng/tháng. Tính tới nay, có 20 trái phiếu được niêm yết trên HSX với tổng giá trị niêm yết là 16.850 tỷ đồng, trong đó 11.500 tỷ đồng (68% giá trị niêm yết) thuộc về CTCP Tập đoàn Masan.

THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ QUÝ 4/2021

Thị trường sơ cấp: tỉ lệ trúng thầu giảm so với quý 3

Tỷ lệ trúng thầu trong quý 4 giảm, đạt 72,2% (giảm 5,6 điểm % so với quý 3) với tổng giá trị phát hành thành công trong quý đạt 90.999 tỷ đồng. Trong quý 4, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã gọi thầu thành công 920 tỷ đồng TPCP ở kỳ hạn 5 năm, 250 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 năm, 27.872 tỷ đồng ở kỳ hạn 10 năm, 27.179 tỷ đồng ở kỳ hạn 15 năm, 13.380 tỷ đồng ở kỳ hạn 20 năm và 10.898 tỷ đồng ở kỳ hạn 30 năm. Lãi suất trúng thầu sv quý 2 tăng nhẹ ở kỳ hạn 10 và 15 năm, giảm ở kỳ hạn 5, 7, 20 và 30 năm. Trong quý 4, Ngân hàng Phát Triển Việt Nam (NHPTVN) đã gọi thầu thành công 10.500 tỷ đồng bao gồm 1.500 và 1.200 tỷ đồng ở kì hạn 5, 7 năm và 7.800 tỷ đồng ở kì hạn 10 năm trong khi không ghi nhận đợt phát hành thành công nào trong quý 3.

Trong năm 2021, thị trường sơ cấp đã huy động được 317.963 tỷ đồng TPCP từ KBNN. Tổng giá trị phát hành trong quý 4 đã hoàn thành 92.88% kế hoạch đấu thầu quý và giá trị phát hành trong năm 2021 hoàn thành 99.4% kế hoạch cả năm của KBNN. Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ phát hành thành công TPCP trong năm 2021 tiệm cận với kế hoạch điều chỉnh của KBNN.

Thị trường thứ cấp: khối ngoại bán ròng trong Q4/21, tuy nhiên vẫn mua ròng 11.590 tỷ đồng trong cả năm 2021

Tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp quý 4 đạt 767.496 tỷ đồng, tương ứng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên 11.629 tỷ đồng, tăng 19,5% sv quý trước đó. Giao dịch outright chiếm tỷ lệ 64,2% trong tổng giá trị giao dịch, còn lại 35,8% là giao dịch repo.

Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị 471,2 tỷ đồng trong Q4/21, đưa tổng giá trị mua ròng cả năm về mức 11.590 tỷ đồng.

Lợi suất trái phiếu tăng 11 điểm cơ bản ở kỳ hạn 1 năm, giảm từ 1,2 đến 12,7 điểm cơ bản ở các kỳ hạn từ 2 năm trở lên.

Xem chi tiết tại đây