Cập nhật kinh tế vĩ mô – Dịch COVID-19 phủ bóng lên tăng trưởng
Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 06/04/2020 2557
- Tăng trưởng GDP đạt 3,82% sv cùng kỳ trong Q1/2020, là mức tăng trưởng quý thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua, do tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị tác động mạnh từ dịch COVID-19.
- Lạm phát tháng 3 ở mức 4,9% sv cùng kỳ (thấp hơn mức tăng 5,4% sv cùng kỳ trong tháng 2) nhờ chỉ số giá giao thông giảm 2,62% sv cùng kỳ.
- Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục ở mức thấp trong Q2/2020 trước khi phục hồi mạnh trong nửa cuối năm 2020.
- Chúng tôi giảm dự phóng tăng trưởng GDP 2020 xuống 5,0%, từ mức 6,0%.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm nhất trong vòng một thập kỷ
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tăng trưởng GDP trong Q1/2020 đạt 3,82% sv cùng kỳ, là mức tăng trưởng Quý 1 thấp nhất trong giai đoạn 2010-2020, do tất cả các ngành kinh tế đều bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19.
Dịch bệnh và biến đổi khí hậu đè nặng tăng trưởng nông nghiệp
Ngành nông, lâm, ngư nghiệp ghi nhận mức tăng nhẹ 0,08% trong Q1/2020, (thấp hơn mức tăng 2,10% trong Q4/2019 và 2,81% trong Q1/2019) do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã làm suy yếu nhu cầu đối với nông sản từ các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc.
Ngành dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm
Ngành dịch vụ ghi nhận mức tăng 3,27% trong Q1/2020, là mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ do người tiêu dùng được khuyến cáo hạn chế ra ngoài mua sắm, ăn uống, và đi du lịch để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19. Trong Q1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu người, giảm 18,1% sv cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp suy yếu do gián đoạn chuỗi cung ứng
Công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng 5,15% sv cùng kỳ trong Q1. Trong đó, hoạt động sản xuất vẫn là động lức tăng trưởng chính, ghi nhận mức tăng 7,12% sv cùng kỳ, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lĩnh vực khai khoáng suy giảm 3,18% sv cùng kỳ, do giá dầu Brent giảm tới 22,7% sv cùng kỳ. Chỉ số PMI tháng 3 xuống mức thấp lịch sử là 41,9 điểm do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn tới các doanh nghiệp nội địa thiếu nguyên liệu để sản xuất. Bên cạnh đó, nhu cầu từ thị trường quốc tế suy giảm đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Chúng tôi giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 xuống 5,0%
Chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP xuống 5,0%, từ mức 6,0% trước đó do tác động của đại dịch COVID-19 lớn hơn nhiều sv ước tính ban đầu. Chúng tôi giảm dự báo tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng xuống 5,6% (sv 8,9% năm 2019), giảm dự phóng tăng trưởng ngành dịch vụ xuống 5,3% (sv 7,3% năm 2019), trong khi ước tính ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,0% sv cùng kỳ. Chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với Việt Nam trong trung hạn nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc và hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Xem thêm báo cáo chi tiết TẠI ĐÂY