Hợp tác cùng phát triển

Cập nhật vĩ mô – 2023 là một năm với hai gam màu khác biệt

Báo cáo vĩ mô 12/01/2023    3475

Chia sẻ

  • Tăng trưởng GDP giảm còn 5,9% svck trong Q4/22 do xuất khẩu giảm và động lực từ mở cửa trở lại phai nhạt, GDP cả năm 2022 tăng 8,0% svck.
  • Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 6,2% (+/-0,3 điểm%) so với dự báo trước đó là 6,7%.

Tăng trưởng GDP giảm tốc trong Q4/22

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP của Việt Nam tăng 5,9% svck trong Q4/22, được dẫn dắt bởi ngành dịch vụ (+8,1% svck). Tốc độ tăng trưởng trong Q4/22 chậm lại đáng kể so với mức đỉnh là 13,7% trong Q3/22, phản ánh sự suy yếu trong xuất khẩu và sản xuất công nghiệp cùng với động lực từ mở cửa trở lại nền kinh tế phai nhạt dần. Trong cả năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,0% svck (phù hợp với dự báo của chúng tôi là 7,9% svck), đây là mức tăng trưởng hàng năm mạnh nhất kể từ năm 2011.

Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp Q4/22 suy yếu là mối lo ngại lớn

Chúng tôi nhận thấy xu hướng tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp Việt Nam trong Q4/22 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Cụ thể, chỉ số IIP tăng 3,0% svck, thấp hơn đáng kể so với quý trước (Q3/22 tăng 10,9% svck). Ngoài ra, IIP tháng 12 giảm 1,0% so với tháng trước và chỉ tăng 0,2% svck, mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Bên cạnh đó, đơn đặt hàng mới của lĩnh vực sản xuất liên tục giảm trong vài tháng qua đã khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm kể từ tháng 11/2022 với giá trị xuất khẩu giai đoạn tháng 11-12/2022 giảm còn 58,1 tỷ USD (-12,4% svck).

Đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2023

Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 6,2% (+/-0,3 điểm %) so với dự báo trước đó là 6,7%. Nguyên nhân đến từ việc nền kinh tế toàn cầu chậm lại tác động mạnh hơn dự kiến đến ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như môi trường lãi suất cao, lạm phát toàn cầu tuy giảm nhưng vẫn còn cao, thanh khoản thị trường tài chính thắt chặt, lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn. Có một số động lực tăng trưởng trong năm tới, đến từ việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng như một phần của đầu tư công và xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh. Chúng tôi nhận thấy việc Trung Quốc mở cửa trở lại và cạnh tranh FDI ngày càng tăng giữa các nước trong khu vực có thể là những biến số đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Lạm phát bình quân dự kiến tăng 3,8% svck trong năm 2023 (tăng so với mức 3,2% trong năm 2022).

Áp lực lãi suất và tỷ giá sẽ hạ nhiệt đáng kể trong nửa cuối năm 2023

Theo quan điểm của chúng tôi, việc cải thiện dự trữ ngoại hối cùng với Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ vào khoảng giữa năm 2023 sẽ góp phần hạ nhiệt áp lực tỷ giá đối với VND trong năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên 102 tỷ USD vào cuối năm 2023. Đà thắt chặt chính sách tiền tệ chậm lại trên toàn cầu sẽ tạo dư địa cho NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành như hiện tại. Theo đó, lãi suất huy động sẽ tăng chậm lại trong nửa đầu năm 2023 và sau đó giảm dần kể từ Q3/23.

Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây