Cập nhật vĩ mô – Nền kinh tế dần đi vào quỹ đạo phục hồi
Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 09/11/2021 1772
- Ngành dịch vụ phục hồi nhẹ trong tháng 10 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1% so với tháng trước.
- PMI lần đầu tiên trở lại mức trên 50 điểm kể từ tháng 6 năm 2021, cho thấy hoạt động sản xuất phục hồi trong tháng 10/2021.
- Lạm phát trong tháng 10 của Việt Nam chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ (svck), mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
- Chúng tôi hạ tăng trưởng GDP 2021 xuống 2,0% svck trong kịch bản cơ sở.
Nền kinh tế phục hồi ổn định trong tháng 10
Theo tháng, ngành dịch vụ phục hồi nhẹ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 18,1% so với tháng trước (-19,5% svck). Về lĩnh vực công nghiệp, chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) IHS Markit của Việt Nam trong tháng 10/2021 lần đầu tiên trở lại mức trên 50 điểm kể từ tháng 6/2021, cho thấy sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kể từ tháng 10/2021. Ngoài ra, chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tháng 10 của Việt Nam tăng 6,9% sv tháng trước (-1,6% svck), cải thiện từ mức tăng 5,0% sv tháng trước (-5,5% svck) của tháng 9/2021.
Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại cao hơn trong tháng 10
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), giá trị xuất khẩu tháng 10/2021 tăng 1,1% sv tháng trước (+0,3% svck) lên 27,3 tỷ USD. Đối với nhập khẩu, chi tiêu nhập khẩu của Việt Nam giảm 1,1% sv tháng trước (sv. mức giảm 3,6% trong tháng 9/2021) xuống còn 26,2 tỷ USD (+8,0% svck). Kết quả là Việt Nam đã tăng xuất siêu lên 1,1 tỷ USD trong tháng 10/2021 từ mức xuất siêu 0,5 tỷ USD của tháng trước.
Kỳ vọng Chính phủ triển khai thêm các gói kích thích kinh tế
Chúng tôi cho rằng vẫn còn nhiều dư địa cho mở rộng chính sách tài khóa do (1) tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công 60% GDP, (2) lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp lịch sử và (3) lạm phát đang được kiểm soát tốt. Các gói kích thích kinh tế có thể bao gồm: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và tăng chi tiêu đầu tư công vào phát triển hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội.
Chúng tôi giảm dự báo tăng trưởng GDP 2021 xuống còn 2,0% svck
Một số điểm nghẽn đang cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, bao gồm (1) nhu cầu tiêu dùng trong nước ở mức thấp trong Q4/21 do thu nhập của người dân sụt giảm khi đại dịch kéo dài và (2) nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam vẫn thiếu hụt lao động. Ngoài ra, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 10 trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại. Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 có thể cản trở quá trình mở cửa kinh tế. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố bất định đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Q4/21 xuống 3,3% svck từ dự báo 4,0% trước đó.
Đọc báo cáo chi tiết tại đây