Cập nhật vĩ mô – Phục hồi trong nước là động lực vượt qua những thách thức bên ngoài
Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 13/05/2022 945
- Ngành dịch vụ và công nghiệp tăng trưởng trong tháng 4.
- CPI tăng 2,6% svck trong tháng 4/2022 (vs. 1,9% svck trong quý 1/2022).
- Việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ có tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam, bao gồm xuất khẩu, chính sách tiền tệ và trả nợ nước ngoài.
- Duy trì dự báo tăng trưởng GDP trong Q2/22 và năm 2022 lần lượt là 5,6% và 7,1%, được thúc đẩy bởi tiêu dùng phục hồi và tăng trưởng xuất khẩu.
Ngành dịch vụ trở lại mạnh mẽ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% sv tháng trước và 12,1% svck trong tháng 4. Đây là mức tăng trưởng hàng tháng cao nhất được ghi nhận kể từ T5/21. Trong 4T22, tổng doanh thu bán lẻ tăng 6,5% svck bất chấp sự sụt giảm trong tháng 2 và 3 do dịch bệnh bùng phát. Chúng tôi kỳ vọng ngành dịch vụ tăng tốc trong những quý tới nhờ lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng trong bối cảnh Việt Nam đăng cai tổ chức các sự kiện lớn của khu vực như Sea Games 31.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục cải thiện
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 9,4% svck (+2,0% sv tháng trước), đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm cao nhất từ T6/21. Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam) không đổi ở mức 51,7 trong T4/22, cho thấy điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện bất chấp những khó khăn bởi giá đầu vào tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng 25,0% svck lên 33,3 tỷ USD trong T4/22, đóng góp chính bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong xuất khẩu điện thoại và linh kiện (+63% svck).
Chính sách tiền tệ của FED có tác động rộng rãi đến nền kinh tế Việt Nam
Điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn. Lãi suất USD tăng gây áp lực lên lãi suất trong nước, theo đó, lãi suất tiền gửi VND dự kiến sẽ tăng thêm 20-40 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm. Đồng USD mạnh lên ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam, mặc dù tác động không lớn vì các yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng vẫn duy trì như thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của chính phủ và doanh nghiệp.
Duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong Q2/22 ở mức 5,6%
Mặc dù lạm phát vẫn là rủi ro hàng đầu, chúng tôi tin rằng sự phục hồi mạnh mẽ trong nước bao gồm sản xuất, bán lẻ và tiền tệ sẽ vượt qua những thách thức bên ngoài. Chúng tôi duy trì dự báo GDP ở mức 5,6% svck (+/- 0,2 điểm %) trong Q2/22 và 7,1% trong năm 2022.
Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây