Chiến lược thị trường – Bắt sóng đầu tư công
La bàn đầu tư - Chiến lược đầu tư đa kênh tài sản 16/04/2020 2182
- Chúng tôi tin rằng làn sóng đầu tư công mạnh mẽ sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh các động lực tăng trưởng khác chậm lại
- Các dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam sẽ là điểm nhấn trong nửa cuối năm 2020
- Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá xây dựng và nhựa đường, sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu gia tăng tại các dự án trên
- Lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong chủ đề này bao gồm: KSB, PLC và HPG
Đầu tư công sẽ tăng tốc sớm hơn dự kiến
Tất cả các động lực tăng trưởng kinh tế đều chậm lại trong quý 1/2020
Trong các nhận định vào cuối năm 2019, chúng tôi đã cho rằng giải ngân đầu tư công sẽ khó có thể tăng tốc cho tới cuối năm nay. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch coronavirus (COVID-19) kể từ tháng 1/2020 đã thay đổi toàn bộ bức tranh kinh tế vĩ mô, phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP trong quý 1/2020 đạt 3,82% sv cùng kỳ, là mức tăng trưởng quý 1 thấp nhất trong 11 năm qua khi tất cả các ngành kinh tế đều bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức 5,0% sv cùng kỳ (sv mức 7,1% của năm 2019), trong đó ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp tăng lần lượt 5,6%, 5,3% và 2% sv cùng kỳ. Chúng tôi nhận thấy tất cả các động lực tăng trưởng kinh tế đều đang chậm lại. Xuất khẩu cũng phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa suy giảm trên toàn cầu do dịch bệnh. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã trải qua đợt sụt giảm mạnh trong quý 1/2020 với tổng vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 8,6 tỷ USD (giảm 20,9% sv cùng kỳ). Do đó, chúng tôi tin rằng đầu tư công sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.
Chính sách tài khóa vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh đầu tư công
Một điều đáng chú ý là số liệu về chi tiêu thực tế cho đầu tư phát triển trong ba năm qua của Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính (BTC) có sự chênh lệch lớn. Số liệu sơ bộ năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy chi tiêu đầu tư công giảm khoảng 5,2% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 57,5% so với kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, nếu tính cả số tiền chưa được giải ngân chuyển nguồn sang năm 2020 theo ước tính của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển là 443,4 nghìn tỷ đồng, cao hơn 3,3% so với kế hoạch cả năm. Điều này cho thấy tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm và thâm hụt ngân sách thực tế sẽ thấp hơn so với số liệu ghi nhận.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết thâm hụt ngân sách thực tế đã giảm từ 3,5% GDP xuống còn 2,7% GDP trong năm 2017 do giải ngân chậm đối với đầu tư công. Chúng tôi ước tính thâm hụt ngân sách ở mức xấp xỉ 2,5% GDP trong năm 2018-19, thấp hơn số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính. Thâm hụt ngân sách giảm và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã giúp nợ công của Việt Nam giảm từ 61,3% GDP trong năm 2017 xuống còn 56,1% GDP trong năm 2019. Theo kế hoạch ngân sách năm 2020-22, nợ công sẽ giảm xuống còn 52,7% GDP vào năm 2022.
Theo Dự toán Ngân sách năm 2020 được Quốc hội phê duyệt vào tháng 11/2019, chi tiêu cho đầu tư phát triển ước tính đạt 470,6 nghìn tỷ đồng (tăng 6,1% so với cùng kỳ, ~6,9% GDP). Chính phủ sẽ tăng 8,2% chi đầu tư công trong năm 2021-22, cao hơn mục tiêu tăng trưởng 6,1% trong năm 2020. Thâm hụt tài khóa sẽ được phép tăng lên 3,5% GDP trong năm 2021-22, tăng nhẹ so với mức dự kiến 3,4% GDP trong năm 2020. Trong trường hợp giải ngân hoàn toàn vốn đầu tư công cả năm theo kế hoạch sẽ giúp GDP tăng 0,42% trong năm nay.
Vốn đầu tư công sẽ tập trung giải ngân vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt thông qua các dự án lớn.
Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ trong những ngày gần đây
Chính phủ đang hành động rất quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Ngày 06/04, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được ban hành. Tại đây, nhiều quy định về quản lý nguồn vốn, thanh quyết toán và chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) yêu cầu các địa phương có cao tốc Bắc-Nam đi qua phải tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng trong quý 2/2020. Hiện nay, toàn dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 454km trong tổng số 646km, đạt 70,3%. Trong khi đó tại dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã giải phóng 99% diện tích khu tái định cư. Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo tỉnh phải giải ngân toàn bộ 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm nay, nhằm đưa dự án vào khởi công vào năm 2021.
Giải ngân vốn đầu tư công tăng 16,4% sv cùng kỳ, đạt 59,5 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2020, tương đương 13,2% kế hoạch năm (cao hơn mức 11,2% trong quý 1/2019). Đây là dấu hiệu cho thấy giải ngân đầu tư công sẽ sớm hơn và nhanh hơn so với nhận định trước đây của chúng tôi.
Các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ là điểm nhấn
Ngày 07/04, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Thủ tướng giao các Bộ liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 101,2 nghìn tỷ đồng, sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công.
Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, Chính phủ muốn đưa các dự án trên khởi công ngay trong quý 3/2020, thay vì quý 1/2021 như chúng tôi dự báo trước đây.
Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc-Nam.
Chúng tôi thực hiện ước tính cơ cấu chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, dựa trên: 1) dự toán chi phí xây dựng được quy định tại Thông tư 09/2019/TT-BXD (ban hành ngày 26/12/2019) của Bộ Xây dựng (BXD); và 2) cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc đã được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-18. Chi tiết được trình bày trong Hình 7 và Hình 8.
Với kịch bản cơ sở của chúng tôi, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực. Ngoài ra, để hoàn thành 100% các dự án trên, chúng tôi ước tính chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỷ đồng, 19.100 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi chính từ chủ đề đầu tư công.
Đá xây dựng: Rất tích cực
Do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành đá xây dựng. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá được giao tại công trình có thể cao gấp đôi so với giá giao tại mỏ.
Bộ Xây dựng đã đề nghị 13 tỉnh có cao tốc Bắc-Nam đi qua tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công trong việc khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công các dự án này, qua đó giảm thời gian xây dựng và chi phí vận chuyển.
Chúng tôi tin rằng các mỏ đá của các công ty niêm yết nằm gần dự án sẽ được ưu tiên huy động do lợi thế về thời gian vận chuyển cũng như quy mô và chất lượng sản phẩm.
Bốn cụm mỏ đá (bao gồm: Solku, Thiện Tân, Thạch Phú and Tân Cang) tại Đồng Nai đang sở hữu những vị trí thuận lợi để cung cấp đá xây dựng cho dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây – một trong những dự án được ưu tiên triển khai trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam.
Thêm vào đó, dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng sẽ cần huy động đá xây dựng từ các mỏ thuộc khu vực Đông Nam Bộ, do trữ lượng đá không đáng kể của Đồng bằng sông Cửu Long (chi tiết trong Hình 11). Đặc biệt, nền đất yếu của khu vực đồng bằng sẽ khiến dự án cao tốc này cần nhiều đá xây dựng hơn các dự án khác.
Theo ước tính của chúng tôi, hai dự án cao tốc trên sẽ cần khoảng 6-7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết.
Hai mỏ đá ở phía Bắc của KSB (Bãi Giang và Gò Trường) cũng nằm tại các vị trí thuận lợi để cung cấp đá cho các dự án cao tốc tại Nghệ An và Thanh Hóa.
Chúng tôi tin rằng KSB và DHA là hai cái tên sáng giá trong ngành đá xây dựng, nhờ sở hữu nhiều mỏ đá ở vị trí tốt, công suất khai thác lớn và thời hạn khai thác dài. KSB cũng đang được kì vọng sẽ thực hiện M&A với CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (UpCom: VLB) (dự kiến trong quý 2/2020), qua đó đưa công ty trở thành nhà khai thác đá xây dựng lớn nhất Việt Nam, với tổng công suất lên tới 8,8 triệu tấn/năm. Trong khi đó, DHA là một trong những nhà khai thác có tỷ suất sinh lời cao nhất trong ngành, công ty đã duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong nhiều năm trở lại đây, không có nợ vay và duy trì trả cổ tức tiền mặt đều đặn.
Nhựa đường: Rất tích cực
Chúng tôi tin rằng kết quả kinh doanh của các công ty ngành nhựa đường sẽ được hưởng lợi lớn từ việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân tại các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, giá dầu thấp trong năm 2020 sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Nhà đầu tư có thể chú ý tới PLC, một công ty con của tập đoàn Petrolimex (HOSE: PLX). PLC là công ty nhựa đường duy nhất niêm yết và hiện chiếm khoảng 30% thị phần nội địa.
Doanh thu nhựa đường của PLC đạt mức cao trong giai đoạn 2014-15, thời điểm giải ngân vốn đầu tư công cho đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Khi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng quay trở lại mức thấp trong giai đoạn 2016-19, doanh thu mảng nhựa đường của PLC cũng lập tức suy giảm ~50% sv giai đoạn 2014-15.
Thép xây dựng: Tích cực
Ngành thép xây dựng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng dư cung, trong khi sản lượng toàn ngành tại thời điểm cuối năm 2019 mới chỉ đạt 80% công suất thiết kế.
Hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho ngành thép xây dựng (quặng sắt, than cốc và thép phế liệu) đều được nhập khẩu. Do đó, trong trường hợp những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm này tiếp tục có diễn biến Covid 19 phức tạp, các công ty trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro nguồn cung đầu vào không ổn định. Mặc dù vậy, chúng tôi đánh giá rủi ro trên là không quá lớn. Hiện có rất nhiều quốc gia có thể cung cấp các nguyên liệu thô của thép, do đó nhà sản xuất Việt Nam có thể chuyển hướng nhập khẩu sang quốc gia không đóng cửa. Bên cạnh đó, các công ty nội địa cũng thường xuyên có kế hoạch dự phòng và tích trữ tồn kho nguyên vật liệu khoảng 3-6 tháng, đảm bảo hoạt động sản xuất không gặp ảnh hưởng.
Chúng tôi ước tính nhu cầu tăng thêm từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam tương đương với khoảng 6,2% nhu cầu thép xây dựng hiện tại. Qua đó sẽ giảm phần nào áp lực cạnh tranh trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh công suất toàn ngành dự kiến sẽ tăng khoảng 15% trong năm nay.
Chúng tôi ưa thích HPG trong ngành lĩnh vực sản xuất thép. Khu liên hợp thép Dung Quất sẽ là chìa khóa giúp HPG thay đổi “cuộc chơi” của toàn bộ ngành thép trong nước. Khi thành phần của Dung Quất gđ 1 đi vào hoạt động, HPG sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển thép xuống miền Nam xuống chỉ còn 3 ngày, sv mức 7 ngày trước đây. Cùng với chiến lược cạnh tranh về giá, chúng tôi cho rằng HPG sẽ hiện thực hóa được mục tiêu giành khoảng 35-40% thị phần tại khu vực phía Nam (sv mức 13,8% của năm 2019).
Xi măng: Khả quan
Sau giai đoạn mở rộng công suất liên tục, ngành xi măng bắt đầu phải đối mặt với tình trạnh dư cung từ năm 2009, cạnh tranh trong ngành ngày một gay gắt. Năm 2018, Việt Nam chính thức trở thành nhà xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), sản lượng bán toàn ngành đạt 99 triệu tấn trong năm 2019, trong đó thị trường nội địa tiêu thụ gần 65 triệu tấn và 34 triệu tấn còn lại được xuất khẩu (tương đương 34% tổng sản lượng tiêu thụ).
Chúng tôi ước tính nhu cầu xi măng trong năm 2020 từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam chỉ tương đương khoảng 2,6% tiêu thụ xi măng hiện tại. Các dự án khác nằm trong kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2020 của chính phủ sẽ hỗ trợ thêm nhu cầu tiêu thụ của ngành. Tuy vậy, chúng tôi đánh giá tác động tích cực từ đầu tư công sẽ không phải là một cú hích quá lớn dành cho các doanh nghiệp ngành xi măng, đặc biệt trong bối cảnh 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Philippnies và Bangladesh (chiếm 25,9% tổng sản lượng xuất khẩu và 8,8% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2019) đã bắt đầu áp dụng các biện pháp thuế tự vệ từ nửa cuối năm 2019.
Chúng tôi ưa thích HT1 và BCC do 2 doanh nghiệp đang cho thấy sự cải thiện trong kết quả kinh doanh cốt lõi, dựa vào tăng trưởng sản lượng tiêu thụ tốt, chi phí sản xuất thấp hơn và hạn chế được rủi ro biến động tỷ giá. Đặc biệt, HT1 là nhà sản xuất xi măng lớn nhất miền Nam, có lợi thế cạnh tranh mạnh do sở hữu phần lớn các mỏ đá vôi tại khu vực (vốn khan hiếm).
Xem thêm báo cáo chi tiết TẠI ĐÂY