Chiến lược thị trường tháng 3/2022 – “Trong nguy có cơ”
La bàn đầu tư - Chiến lược đầu tư đa kênh tài sản 01/03/2022 1404
- Ngày 14 tháng 2, chỉ số VN-INDEX giảm xuống mức thấp nhất trong tháng với 1.472,0 điểm do căng thẳng địa chính trị ở Ukraine. Vào 28/02/2022, VN-INDEX đóng cửa ở mức 1.490. điểm, (+ 0,8% sv đầu tháng). Thanh khoản suy yếu sau kỳ nghỉ Tết với khối lượng giao dịch bình quân trên 3 sàn là 25.956 tỷ đồng/phiên (-22,4% sv tháng trước; +61,7% sv cùng kỳ). Chúng tôi nhận thấy thị trường tương đối biến động sau cuộc khủng hoảng Ukraine, tác động của “taper tantrum” và ảnh hưởng từ giá năng lượng & hàng hóa tăng.
-
Các số liệu thống kê lịch sử cho thấy chiến tranh và căng thẳng địa chính trị phần lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, khoảng 2-3 tuần sau khi sự kiện diễn ra. Cụ thể, S&P 500 sụt giảm trong những sự kiện như vậy trung bình khoảng 4-6%, và thị trường sẽ sớm phục hồi và quay trở lại xu hướng tăng trong vòng 2-3 tháng. Thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với thị trường chứng khoán ASEAN dường như ít bị ảnh hưởng trong những thời điểm diễn ra chiến sự và xung đột địa chính trị. Do đó, chúng tôi cho rằng bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng có thể tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt.
-
Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục được rút ròng trong 6 tháng đầu năm sau khi FED tăng lãi suất nhưng tác động lên thị trường chứng khoán Việt Nam là rất ít nhờ (1) Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi; (2) đầu tư trực tiếp nước ngoài vững chắc và (3) dòng vốn trong nước mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán.
-
Chúng tôi tin rằng “trong nguy có cơ”. Thứ nhất, Việt Nam tăng cường mở lại các chuyến bay và du lịch quốc tế; Đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành hàng không và bán lẻ. Thứ hai, mùa Đại hội cổ đông thường niên bắt đầu với kế hoạch kinh doanh năm 2022 dần được hé lộ. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng 23% svck. Tăng trưởng doanh thu mạnh nhất bao gồm ngành Hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, Bán lẻ và Bất động sản. Và cuối cùng, chúng tôi thấy một số lĩnh vực được hưởng lợi từ giá hàng hóa neo cao, bao gồm dầu & khí đốt, các nhà sản xuất phân urê, các nhà xuất khẩu tôn mạ.
-
Chúng tôi có quan điểm tích cực về triển vọng thị trường trong trung hạn, bởi: (1) sự phục hồi mạnh mẽ hơn của các động lực tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ngành dịch vụ (du lịch, giao thông vận tải); (2) gói hỗ trợ kinh tế được triển khai và (3) định giá thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn trong dài hạn. Chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-INDEX sẽ dao động trong khoảng 1.460-1.560 điểm vào T3/2022
Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây