Chứng quyền – góc nhìn toàn cảnh chơi chứng khoán dành cho nhà đầu tư mới!
Góc nhìn chuyên gia 04/05/2021 10168
Bạn đã từng nghe qua hình thức chơi chứng quyền trong cách chơi chứng khoán chưa? Liệu rằng, đây có phải là hình thức đầu tư mới xuất hiện không? Góc cập nhật kiến thức dành cho các nhà đầu tư hôm nay sẽ cung cấp thêm cho bạn thông tin để hiểu rõ thêm về sản phẩm cũng như giúp bạn mở rộng cơ hội kiếm lời đảm bảo, đa dạng hóa danh mục đầu tư với công cụ đầu tư tài chính này.
Làm giàu danh mục chơi chứng khoán một cách an toàn cùng chứng quyền đảm bảo
Đầu tiên, chúng tôi sẽ giúp bạn phân biệt chứng quyền với những cách đầu tư chứng khoán khác như cổ phiếu và quyền chọn. Tiếp đến, chúng tôi sẽ giới thiệu các thông tin cơ bản và bộ thuật ngữ liên quan của chứng quyền. Cuối cùng, cũng là phần quan trọng nhất, chính là cách đầu tư chứng quyền bài bản, giúp bạn tự tin gia nhập thị trường.
2 loại hình chơi chứng khoán thường bị nhầm lẫn với chứng quyền và cách phân biệt chúng
Trên thị trường, không ít nhà đầu tư vẫn hiểu lầm chứng quyền giống với chứng khoán cơ sở, hoặc chứng quyền với quyền chọn là một. Trên thực tế, chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant – CW) là một sản phẩm tách biệt với các loại hình còn lại, chỉ tương đồng ở một số đặc điểm nhỏ. Cụ thể:
Chứng quyền đảm bảo | Cổ phiếu | Hợp đồng quyền chọn | |
Khái niệm | Là sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành, gắn liền với một mã chứng khoán cơ sở (CKCS), cho phép người chơi chứng khoán mua/bán CKCS tại một thời điểm hoặc mức giá xác định trước. | Là chứng nhận xác nhận quyền và nghĩa vụ cổ đông của nhà đầu tư với đơn vị phát hành. | Là sản phẩm tài chính phái sinh, cho phép nhà đầu tư mua/bán tài sản tại một mức giá hoặc thời điểm xác định trước |
Tổ chức phát hành | Công ty chứng khoán/tài chính | Doanh nghiệp được niêm yết | Sở giao dịch chứng khoán |
Thị trường giao dịch | Sàn giao dịch chứng khoán và sử dụng tài khoản hiện tại | Sàn giao dịch chứng khoán | Thị trường chứng khoán phái sinh |
Sở hữu | Quyền (không bao gồm nghĩa vụ) mua chứng khoán cơ sở | Cổ phần của doanh nghiệp phát hành | Quyền mua hoặc bán tài sản cơ sở |
Ký quỹ | Không yêu cầu ký quỹ | Giao dịch có ký quỹ và trả lãi vay | Yêu cầu ký quỹ đối với vị thế bán |
Thời hạn nắm giữ | Có thời gian đáo hạn | Vô thời hạn | Có thời gian đáo hạn |
Kỳ vọng nhà đầu tư | Dựa vào diễn biến của giá cổ phiếu | Dựa vào tiềm năng phát triển của doanh nghiệp phát hành | Dựa vào diễn biến giá của tài sản cơ sở |
Các thông tin và kiến thức cơ bản mà người chơi chứng khoán cần nắm khi đầu tư chứng quyền
Khi bắt tay vào đầu tư chứng quyền, nhà đầu tư chứng khoán cần nắm được một số thông tin cơ bản về sản phẩm đầu tư này, được liệt kê trong bảng sau:
Thông tin | Ý nghĩa |
Chứng khoán cơ sở | Đây có thể là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF hoặc chỉ số chứng khoán |
Giá chứng quyền | Số tiền ban đầu mà nhà đầu tư cần bỏ ra để sở hữu chứng quyền đảm bảo |
Giá thực hiện | Mức giá để thực hiện quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở khi đến kỳ đáo hạn |
Tỷ lệ chuyển đổi | Là số lượng chứng quyền cần có để nhà đầu tư đổi lấy một chứng khoán cơ sở |
Thời hạn chứng quyền | Thời gian lưu hành của chứng quyền |
Ngày đáo hạn | Là ngày có hiệu lực cuối cùng của chứng quyền |
Ngày giao dịch cuối cùng | Là ngày cuối cùng mà chứng quyền được giao dịch, trước ngày đáo hạn 02 ngày |
Phương thức thanh toán | Người nắm giữ chứng quyền sẽ nhận được số tiền mặt chênh lệch nếu CKCS giá thanh toán cao hơn giá thực hiện |
Phí giao dịch | Là mức phí mua/bán trên tổng giá trị giao dịch của chứng quyền |
Bên cạnh các thông tin cơ bản kể trên, người chơi chứng khoán cần biết được cách đọc và hiểu mã ký hiệu của chứng quyền:
C | Call | Chứng quyền mua |
UUU | Underlying | 3 ký tự của mã chứng khoán cơ sở |
P | Put | Chứng quyền bán (hiện chưa khả dụng tại thị trường Việt Nam) |
YY | Year | Năm phát hành/đáo hạn của chứng quyền, ký hiệu bằng 2 số cuối trong năm (ví dụ: Năm 2021 ký hiệu là 21) |
RR | Round | Thứ tự đợt phát hành trong năm của một tài sản cơ sở |
Ví dụ: Nếu chứng quyền mua cổ phiếu VNM phát hành vào đợt thứ 2 của năm đáo hạn 2021, thì mã chứng quyền sẽ là CVNM2102.
Một nội dung khác quan trọng không kém chính là cách đọc bảng giá chứng quyền. Việc đọc hiểu bảng giá nhanh chóng sẽ giúp bạn khỏi bị “hoa mắt” bởi vô vàn số liệu hiện lên trên màn hình. Có 16 nội dung sẽ được hiển thị trên màn hình giao dịch:
- CK: Mã chứng quyền;
- TC phát hành: Tổ chức phát hành;
- Ngày GD cuối: Ngày giao dịch cuối (trước đáo hạn 2 ngày);
- TC: Giá tham chiếu;
- Trần: Giá trần của chứng quyền;
- Sàn: Giá sàn của chứng quyền;
- Mua:
Giá 1/2/3: Mức giá mua cao thứ 1/2/3;
KL 1/2/3: Khối lượng chờ mua mức giá thứ 1/2/3.
- Giao dịch:
Giá: Giá hiện tại;
KL: Khối lượng chứng quyền tại mức giá hiện tại (Màu xanh: Giá tăng / Màu đỏ: Giá giảm);
+/-: Mức thay đổi của giá chứng quyền trong ngày.
- Bán:
Giá 1/2/3: Mức giá bán thấp thứ 1/2/3;
KL 1/2/3: Khối lượng chờ bán mức giá 1/2/3.
- +/- CW (%): Phần trăm thay đổi giá chứng quyền;
- +/- UL (%): Phần trăm thay đổi giá chứng khoán cơ sở;
- Trạng thái quyền (%): Phần trăm chênh lệch giá chơi chứng khoán cơ sở và giá hiện tại.
Hướng dẫn cơ bản dành cho người chơi chứng khoán lần đầu thử sức với chứng quyền đảm bảo
Trước hết, để mua chứng quyền, nhà đầu tư chứng khoán có thể làm theo 2 cách sau:
- Giao dịch sơ cấp: Đăng ký mua chứng quyền trực tiếp tại sàn giao dịch của VNDIRECT;
- Giao dịch thứ cấp: Mua chứng quyền được niêm yết trên sàn của sở giao dịch chứng khoán.
Thông thường, các nhà đầu tư thường mua chứng quyền khi dự đoán rằng giá của CKCS sẽ tăng. Sau khi đã có chứng quyền trong tay, bạn có thể mua hoặc bán lại nó trên thị trường hoặc nắm giữ cho đến kỳ đáo hạn. Khi mua hoặc bán chứng quyền, bạn cần lưu ý một số yếu tố tác động đến giá chứng quyền sau đây:
- Giá của CKCS;
- Lãi suất phi rủi ro;
- Thời gian còn lại cho đến kỳ đáo hạn;
- Mức biến động của CKCS;
- Giá thực hiện.
Nếu đến kỳ đáo hạn mà giá thanh toán của CKCS cao hơn giá thực hiện của chứng quyền (trạng thái lời) thì nhà đầu tư sẽ nhận được khoản tiền chênh lệch giữa 2 mức giá này, được tính theo công thức sau:
Số tiền nhận được trên một CW = (Giá thanh toán – giá thực hiện) / (Tỷ lệ chuyển đổi)
Trong đó, giá thanh toán được tính là mức trung bình của giá đóng cửa trong 5 ngày giao dịch gần nhất. Giá thanh toán sẽ do Sở Giao dịch Chứng khoán công bố.
Tuy nhiên, nếu chứng quyền rơi vào trạng thái hòa vốn (giá thanh toán bằng giá thực hiện) hoặc trạng thái lỗ (giá thanh toán thấp hơn giá thực hiện) thì xem như nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số vốn ban đầu. Đây được xem là tính rủi ro trong giao dịch chứng quyền. Nếu mục tiêu đầu tư của bạn là thu lợi nhuận thì bạn cần quan tâm đến mức độ chấp nhận lỗ hoặc hòa vốn của mình.
>>> Xem thêm: Chứng quyền có đảm bảo cùng VNDIRECT TẠI ĐÂY
Nhìn chung, giao dịch chứng quyền là biện pháp “kép”, giúp bạn vừa tấn công vừa phòng thủ. Bạn có thể sử dụng nó để hạn chế rủi ro khi chơi chứng khoán và kiếm lợi nhuận trong tương lai khi giá cổ phiếu tăng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân đối giữa mục tiêu của mình với mức độ chấp nhận rủi ro, cũng như lựa chọn chứng khoán cơ sở có tiềm năng.