Hợp tác cùng phát triển

Diễn biến giá lợn: Liệu đã chạm đáy?

Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 20/09/2019    809

Chia sẻ

  • Nguồn cung giảm khiến giá lợn hơi tăng mạnh
  • Triển vọng Q4/19-Q1/20: Giá có thể tiếp tục tăng khi nhu cầu thịt lợn tăng dần về cuối năm
  • Dịch tả lợn mang đến cơ hội cho những “ông lớn”
  • Mảng thức ăn chăn nuôi sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi

Nguồn cung giảm khiến giá lợn hơi tăng mạnh

Theo số liệu từ Agromonitor, giá lợn hơi tại Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 5/2019 sau khi giảm 30-40% từ mức đỉnh tháng 2 do dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát. Tại thời điểm ngày 15/09, giá lợn hơi đạt mức trung bình 45.000-50.000 đồng/kg ở miền Bắc (tăng 60% so với mức đáy tháng 5) và 36.000-45.000 đồng/kg ở miền Nam (tăng 42% từ tháng 5). Nguyên nhân là do nguồn cung sụt giảm mạnh với việc 4,5 triệu con lợn (10-12% nguồn cung) đã bị tiêu hủy cho tới cuối tháng 8 trong khi người dân vẫn còn do dự về việc tái đàn.

Có sự chênh lệch giá giữa 2 miền Bắc và Nam do dịch bệnh xảy ra ở miền Bắc trước và lan dần về phía Nam, nên hiện tại khi miền Bắc đã dần kiểm soát được dịch thì giá lợn miền Bắc hồi phục sớm hơn và mạnh hơn khu vực miền Nam.

Triển vọng Q4/19-Q1/20: Giá có thể tiếp tục tăng khi nhu cầu thịt lợn tăng dần về cuối năm

Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting ước tính rằng quy mô đàn nái trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ dịch tả lợn. Rabobank cũng dự báo sản lượng lợn tại Việt Nam cả năm 2019 có thể giảm 15-19% so với cùng kỳ.

Ipsos ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt heo (tương đương ~20% tổng nhu cầu thị trường) trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục, trong khi nhu cầu tiêu thụ quy mô lớn tăng trở lại (các trường học bắt đầu năm học mới từ tháng 09 và dịp Tết Nguyên đán cuối tháng 01/2020). Chúng tôi tin rằng giá lợn hơi đã chạm đáy và sẽ duy trì xu hướng tăng cho tới đầu năm 2020, nhờ đó các hộ chăn nuôi quy mô lớn và chưa nhiễm bệnh sẽ được hưởng lợi.

Giá lợn hơi trong nước cũng có khả năng chịu ảnh hưởng từ việc nguồn cung sụt giảm ở Trung Quốc (cũng do sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi). Số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Trung Quốc cho thấy số lợn nuôi nước này tính ở thời điểm cuối tháng 6/2019 thấp hơn 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số lợn nái giảm 26,7%. Điều này dẫn đến giá lợn tại Trung Quốc tăng mạnh thời gian trở lại đây với mức giá hiện tại trung bình 80.000-90.000 đồng/kg (tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 6 năm 2019). Sự chênh lệch giá này có thể đẩy mạnh việc các thương lái Trung Quốc mua lợn từ Việt Nam (chủ yếu qua đường tiểu ngạch), do đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trong nước và đẩy giá lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, giao dịch xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thường không được thống kê đầy đủ, do vậy khó có thể định lượng được tác động của nhân tố này lên giá lợn trong nước.

Bên cạnh đó, trong trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dịu bớt và giảm thuế xuất khẩu thịt lợn từ Mỹ sang Trung, nguồn cung tại Trung Quốc có thể cải thiện và làm chậm lại đà tăng giá.

Dịch tả lợn mang đến cơ hội cho những “ông lớn”

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ được cho là sẽ chịu tác động nhiều nhất từ sự bùng phát của dịch bệnh do thiếu các biện pháp phòng ngừa và thực hành an toàn sinh học. Theo đó, doanh nghiệp quy mô lớn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, chưa ghi nhận dịch bệnh như Dabaco (DBC VN), Masan Meatlife (chưa niêm yết, MML, công ty con của Masan Group), CP Vietnam (chưa niêm yết) sẽ được hưởng lợi từ việc giá lợn tăng trở lại. Các công ty có mảng chăn nuôi gia cầm như DBC, CP Việt Nam cũng có khả năng đẩy mạnh việc tiêu thụ gia cầm như một sản phẩm thay thế cho thịt lợn.

Trong số 3 doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết trên sàn, chúng tôi cho rằng Dabaco sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của giá lợn, do:

– DBC chịu ảnh hưởng từ biến động giá lợn nhiều nhất trong số các DN niêm yết khi 30% doanh thu 2018 của công ty đến từ phân khúc lợn giống và lợn thịt. Chưa kể đến phần doanh thu từ TACN cho lợn, với sản lượng TACN cho lợn chiếm trên 50% tổng sản lượng TACN cả năm. Tỷ trọng doanh thu của mảng chăn nuôi trong doanh thu thuần các công ty khác như Vilico (VLC VN) và Hòa Phát (HPG VN) chỉ ở mức thấp, tương ứng 2,0% và 8,2%. Với Masan Meatlife (MML), công ty mới chỉ tham gia thị trường chăn nuôi và chế biến thịt kể từ năm 2018, do đó mảng này vẫn chưa đóng góp nhiều vào KQKD của DN.

– Phần lớn trang trại của DBC nằm ở các tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Tuyên Quang), là khu vực dịch tả lợn bùng phát sớm hơn và hiện tại số lượng các ổ dịch mới đã giảm. Giá lợn ở miền Bắc đã hồi phục nhanh hơn ở miền Nam về mức tương đương với đầu năm. Chúng tôi dự báo giá lợn ở miền Bắc vẫn sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2020 do (1) thiếu hụt nguồn cung đã đề cập ở trên, (2) việc hạn chế vận chuyển giữa các tỉnh để ngăn chặn sự mở rộng của dịch bệnh sẽ ổn định giá bán tại từng vùng/địa phương và (3) xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có thể làm nguồn cung miền Bắc giảm cục bộ. Trong một bài phỏng vấn gần đây, chủ tịch công ty Dabaco kỳ vọng rằng giá lợn sẽ tăng trong bốn tháng cuối năm 2019 và kéo dài trong 2020, giúp công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 là 356 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ, 6T19 mới chỉ đạt 27,6 tỷ đồng).

Mảng thức ăn chăn nuôi sẽ cần nhiều thời gian hơn để phục hồi

Trong khi phân khúc chăn nuôi và chế biến thịt có thể nhận thấy tác động ngay lập tức từ đà tăng của giá lợn, mảng thức ăn chăn nuôi sẽ cần thêm thời gian để bắt kịp. Theo Masan Meatlife (MML), giá lợn cần ổn định trong vòng 6-9 tháng mới có tác động đến mảng TACN, do người dân còn cân nhắc việc tái đàn do lo ngại bệnh dịch tái phát trở lại.

Chúng tôi cho rằng MML sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ sự hồi phục của mảng TACN so với DBC, do thị phần TACN cho lợn của MML cao hơn so với DBC (11% so với 5%) và TACN cho lợn đóng góp trên 50% tổng doanh thu từ TACN.

Xem thêm báo cáo chi tiết TẠI ĐÂY