Hợp tác cùng phát triển

Mẹo lập kế hoạch tài chính cá nhân giúp lấy lại cân bằng sau Tết

Góc nhìn chuyên gia 19/04/2021    4698

Chia sẻ

Lập kế hoạch tài chính cá nhân là công việc đã quá đỗi thân quen. Tuy nhiên, lên kế hoạch chi tiêu “mùa hậu Tết” vẫn còn khá lạ lẫm. Trên thực tế, đây lại là việc hết sức cần thiết, bởi lẽ dịp Tết luôn là “mùa tiêu tiền”, đôi khi khiến quỹ tài chính bị mất cân bằng. Bài viết sau đây sẽ mách bạn cách quản lý chi tiêu để không “lâm nợ” sau một mùa Tết qua. 

Lập kế hoạch tài chính cá nhân sau Tết, đừng chỉ “thắt lưng buộc bụng” mà phải biết đầu tư!

Lập kế hoạch tài chính cá nhân có thể xem là kỹ năng “sống còn” giúp bạn sống ổn, không rơi vào cảnh túng thiếu. Nhưng một kế hoạch tốt không chỉ có đi làm, chi tiêu dè sẻn, tiết kiệm mà còn phải biết cách đầu tư để tiền sinh thêm tiền. Vậy làm thế nào để tìm hướng đầu tư đúng và chắc, phù hợp với bản thân? Hãy lần bước bài viết sau để tìm câu trả lời nhé.  

Vì sao bạn dễ cháy túi hậu Tết và cần lập kế hoạch tài chính cá nhân liền, ngay và luôn?

Trước khi lên kế hoạch chi tiêu, bạn cần hiểu được vì sao mình dễ rỗng ví hậu Tết, dù có thu nhập ổn định và thậm chí là thưởng Tết ngập tràn. Tất cả, chung quy lại, có thể do 3 lý do chính sau:

Vì sao Tết dễ bị cháy túi?

  1. Bạn có quá nhiều thứ phải chi: Bạn vừa phải đầu tư cho bản thân, vừa phải mua quà mừng cho người thân, bạn bè. Với những ai có gia đình, số tiền này sẽ phải nhân đôi, nhân ba. Với những ai ở xa, tiền tàu xe đi – về đôi bận cũng là cả một vấn đề. 
  2. Không lập kế hoạch tài chính cá nhân trước Tết: Không có kế hoạch rõ ràng khiến bạn khó kiểm soát số tiền hiện có và tiêu xài “thả ga” với lý do “mỗi năm Tết chỉ đến một lần”. 
  3. Quá lạc quan về tình hình tài chính của bản thân: Bạn chỉ nhớ mình vẫn còn tiền nhưng không rõ con số cụ thể, sau đó cứ thoải mái chi tiền. Bạn thấy mình chỉ chi những khoản lặt vặt, nhưng sau khi cộng lại thì mới ngỡ ra mình đã “tiễn đi” quá nhiều tiền.

Nếu bạn thấy mình ở một trong ba “kịch bản” trên, thì còn chần chờ gì nữa mà không đọc tiếp phần II để xem cách quản lý tài chính nào!

4 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân giúp bạn nhanh chóng lấy lại phong độ cho ví sau Tết

Để giúp bạn lập kế hoạch tài chính cá nhân đúng chuẩn và dễ áp dụng, chúng tôi gợi ý 4 bước sau đây:

Lập kế hoạch tài chính cá nhân vững vàng sau Tết

  • Thống kê lại số tiền hiện có:

Ở bước đầu tiên, bạn cần kiểm kê lại xem hiện tại mình còn bao nhiêu tiền. Bạn có thể lập danh sách từ những khoản tích lũy hiện có:

  • Tài khoản ngân hàng;
  • Tài khoản tiết kiệm;
  • Tiền mặt đang giữ.

Tiếp đến, bạn sẽ nhìn lại các khoản thu nhập hiện có, bao gồm cả tiền lương hoặc thu nhập phát sinh riêng như bán online, cộng tác viên… 

  • Đặt mục tiêu tài chính:

Khi đặt mục tiêu, bạn cần đề ra con số và cả “deadline” cụ thể. Ví dụ: Chỉ tiêu 2 triệu/tháng trong vòng nửa năm hay tiết kiệm được 2 triệu trong vòng 6 tháng… Bên cạnh đó, một mục tiêu hiệu quả cần phải bám sát với tình hình thực tế và khả năng thực hiện. Mục tiêu quá khó, quá phi thực tế sẽ khiến bạn dễ nản lòng và bỏ cuộc giữa chừng đấy. 

  • Phân chia thu nhập và đặt giới hạn chi tiêu:

Đây là phần quan trọng nhất trong cả quá trình lập kế hoạch tài chính cá nhân của bạn. Có 2 cách phân chia chi tiêu khá phổ biến hiện nay:

  • Nguyên tắc 50/30/20: Bạn sẽ chia thu nhập thành 3 phần: 50% cho các chi tiêu bắt buộc (ăn uống, đi lại, tiền nhà…); 30% cho các chi tiêu mong muốn (mua sắm, hẹn hò…) và 20% cho tiết kiệm hoặc trả nợ. Tuy nhiên, ở bản kế hoạch “cứu cánh” hậu Tết, bạn có tăng tiết kiệm lên 30% và cắt các chi tiêu phụ xuống còn 20%.
  • Nguyên tắc 6 chiếc cốc: Bạn chia tiền mình kiếm được thành 6 phần:
  • Chi tiêu thiết yếu: 55%;
  • Vui chơi, giải trí: 10%;
  • Phát triển bản thân (đọc sách, khóa học, workshop…): 10%;
  • Tiền cho người khác (bố mẹ, từ thiện…): 5%;
  • Tiết kiệm cho các dự định trong tương lai xa (du lịch, mua nhà, mua xe…): 10%;
  • Tiền đầu tư, phát triển tài chính: 10%.
  • Ghi chép và kiểm kê chi tiêu

Nếu bạn cảm thấy việc ghi chép bằng giấy bút quá phiền toái, hãy thử 5 ứng dụng lập kế hoạch tài chính cá nhân trên điện thoại như:

  • Money Lover: Phổ biến nhất, bộ công cụ đa dạng (theo dõi chi tiêu, thống kê tổng quan…), giao diện tiếng Việt thuận tiện;
  • Spendee: Cho phép đồng bộ an toàn với tài khoản ngân hàng, đồ họa đẹp mắt, dễ sử dụng;
  • MISA Money Keeper: Các khoản được phân chia chi tiết, rõ ràng và trực quan, có thống kê dạng biểu đồ đẹp mắt theo tháng/quý/năm;
  • Mint: Phân loại chi tiêu tự động, liên kết với thẻ tín dụng, đưa ra nhiều mẹo chi tiêu thú vị;
  • Pocket Guard: Ứng dụng chuyên nghiệp với độ bảo mật cực cao khi liên kết thẻ, giúp bạn theo dõi biến động số dư hiệu quả, đồng thời nhắc nhở hóa đơn tự động. 

App lập kế hoạch tài chính cá nhân 

4 gợi ý đầu tư an toàn giúp bạn lập kế hoạch tài chính cá nhân thêm phần hiệu quả

Các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân ở trên có thể giúp bạn lấy lại thăng bằng về tài chính sau “cơn càn quét” mang tên Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, để tối ưu hóa số tiền bạn làm ra và tích lũy được thì hãy chọn đầu tư. Sau đây là 4 ý tưởng đầu tư cá nhân an toàn mà bạn có thể cân nhắc.

  • Mua vàng

Đây là cách làm khá truyền thống mà chúng ta vẫn thấy ông bà, bố mẹ áp dụng. Đầu tư vàng có 3 ưu điểm chính:

  • Giá tăng trong dài hạn do cung thấp nhưng cầu lại cao;
  • Có thể mua vàng trang sức để làm đẹp hoặc làm của sinh lời;
  • Nguyên tắc đầu tư đơn giản: Mua vào khi giá giảm, bán ra khi giá cao.

Tuy vậy, đầu tư vàng đòi hỏi bạn phải có vốn tương đối lớn và phải bỏ công sức bảo quản, cất giữ. Kênh vàng sẽ phù hợp với những ai đã có nền tảng tài chính ổn định, thích kiểu tích sản truyền thống và sẵn sàng đầu tư dài hạn.

  • Đầu tư cổ phiếu

Nếu bạn lập kế hoạch tài chính cá nhân theo kiểu 6 cốc và mỗi tháng dư được 10% thu nhập, hãy dùng nó để đầu tư chứng khoán, đầu tiên là cổ phiếu. Khi mua cổ phiếu, bạn sẽ sở hữu cổ phần tại một công ty và được chia cổ tức định kỳ dựa trên số phần trăm mà bạn đầu tư. Đầu tư cổ phiếu là hình thức được ưa chuộng rộng rãi bởi vì nó:

  • Không yêu cầu vốn lớn;
  • Tiềm năng sinh lời khá tốt;
  • Rủi ro ở mức trung bình.

Để thành công kiếm lời trên con đường này, bạn buộc phải có hiểu biết về ngành, có khả năng theo dõi, quan sát và đánh giá thị trường. Cổ phiếu sẽ lý tưởng cho những ai đã có nền tảng kiến thức nhất định, đầu tư có kế hoạch bài bản và có tính quyết đoán để không bỏ lỡ thời cơ.

Lập kế hoạch tài chính cá nhân bằng cách mở rộng đầu tư

  • Trái phiếu doanh nghiệp

An toàn hơn cổ phiếu, chúng ta có trái phiếu doanh nghiệp. Đây là chứng chỉ nợ, xác nhận nghĩa vụ thanh toán lãi định kỳ cho nhà đầu tư của doanh nghiệp. Vào cuối kỳ hạn, doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn lại cả gốc lẫn lãi cho nhà đầu tư.Tham gia trái phiếu, người chơi hưởng các lợi như:

  • Không yêu cầu vốn lớn;
  • Không chịu nhiều tác động từ thị trường;
  • Được ưu tiên thanh toán nợ trước cổ đông trong trường hợp công ty phá sản.

Đầu tư trái phiếu không đòi hỏi bạn phải giỏi quan sát thị trường như cổ phiếu. Đổi lại, hình thức này buộc bạn phải biết phân tích công ty mà mình định đầu tư. Bạn cần tìm được một doanh nghiệp phát hành uy tín, tài chính vững mạnh để đảm bảo việc trả lãi đều đặn. 

  • Đầu tư quỹ mở 

Bạn cảm thấy quá tải khi vừa lập kế hoạch tài chính cá nhân, vừa phải tự mình quản lý danh mục đầu tư? Quỹ mở sẽ giúp bạn giải quyết nỗi lo ấy. Đây là hình thức đầu tư do nhiều người cùng góp vốn vào một danh mục gồm nhiều tài sản chứng khoán, do một công ty quỹ đứng ra tổ chức và quản lý. Đầu tư quỹ ngày càng được ưa chuộng bởi 5 ưu điểm sau:

  • Không yêu cầu số tiền đầu tư cao, chỉ từ 2.000.000 VNĐ;
  • Tính thanh khoản cao. Người chơi có thể dễ dàng trao đổi chứng chỉ quỹ như một chứng khoán thường;
  • Bạn không cần đứng ra đầu tư, mọi việc đã có công ty quỹ lo;
  • Việc đầu tư được quản lý và điều phối bởi các chuyên viên tài chính có kinh nghiệm;
  • Danh mục đa dạng, mức độ an toàn khá cao.

Quỹ mở sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho giới văn phòng bận rộn, không có thời gian tự mình đầu tư. Tất cả những gì bạn cần làm là tìm cho mình một công ty quản lý quỹ thật uy tín, có thâm niên trên thị trường và tính chi phí hợp lý. 

>>> Xem thêm: Cách mở tài khoản chứng khoán trực tuyến TẠI ĐÂY 

Tóm lại, lập kế hoạch tài chính cá nhân hậu Tết Cổ Truyền là việc cực kỳ nên làm để giúp bạn lấy lại cân bằng cho quỹ tài chính. Sau khi đã ổn định, đừng quên trích một phần tiền mang đi đầu tư để “tiền sinh thêm tiền”. Chúc bạn một năm 2021 may mắn phát tài!