Hợp tác cùng phát triển

LPB – Chi phí dự phòng thấp hỗ trợ lợi nhuận Q1/23 – Cập nhật

Báo cáo phân tích DN 26/05/2023    1177

Chia sẻ

  • Lợi nhuận (LN) ròng Q1/23 giảm 12,5% svck xuống 1,2 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 26% dự phóng cả năm của chúng tôi.
  • Với kết quả Q1/23 tương đối tốt, chúng tôi duy trì dự phóng LN ròng trong 2023-24 lần lượt là 4,9 nghìn tỷ đồng/5,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc 8%/16% svck từ mức nền cao trong 2022.
  • Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi là 17.400 đồng.

Giá thị trường

Giá mục tiêu

Tỷ suất cổ tức

Khuyến nghị

Ngành

VND13.950

VND17.400

0,0%

Khả quan

             Tài chính

KQ Q1/23: Chi phí dự phòng thấp bù đắp tổng thu nhập hoạt động (TOI) giảm
LPB ghi nhận TOI và LN ròng lần lượt là 3,1 nghìn tỷ đồng (-3,9% svck) và 1,2 nghìn tỷ đồng (-12,5% svck), hoàn thành 22% và 26% dự phóng 2023 của chúng tôi. TOI giảm đến từ (1) thu nhập lãi giảm 3,5% do biên lãi thuần (NIM) giảm và (2) thu nhập ngoài lãi giảm 6,5% do khoản lỗ thuần 12 tỷ đồng đến từ hoạt động khác (trong khi Q1/22 lãi 191 tỷ đồng), được bù đắp một phần nhờ khoản lãi từ HĐKD ngoại hối đạt 145 tỷ đồng (trong khi Q1/22 lỗ 15 tỷ đồng) và thu nhập phí ròng (NFI) tăng 4,0% svck. TOI giảm và chi phí hoạt động tăng 16,6% svck đã khiến lợi nhuận trước dự phòng giảm 15,5% svck. Tuy nhiên, chi phí tín dụng giảm mạnh 28,2% svck và 82,9% so với quý trước đã giúp LN ròng chỉ giảm 12,5% svck.
NIM giảm không gây bất ngờ; tín dụng / nguồn vốn tăng trưởng tốt
NIM giảm 70 điểm cơ bản svck trong Q1/23 do chi phí vốn (COF) tăng 200 điểm cơ bản svck, được bù đắp một phần từ lợi suất tài sản tăng 105 điểm cơ bản svck. NIM giảm không gây bất ngờ do lãi suất tiền gửi tăng mạnh trong Q4/22. Tín dụng tăng 2,7% kể từ đầu năm, cao hơn so với ngành là 2,1%. Tiền gửi khách hàng tiếp tục tăng mạnh 5,3% sv quý trước (so với mức tăng 11,6% trong Q4/22), khi khách hàng tiếp tục chuyển dịch từ kênh đầu tư nhiều rủi ro hơn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản sang kênh an toàn hơn là gửi tiết kiệm.
Xử lý nợ xấu tăng nhưng nhìn chung chất lượng tài sản vẫn vững chắc
Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ 10 điểm cơ bản svck lên 1,5% (không đổi sv quý trước). Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng 50 điểm cơ bản lên 2,0%, cho thấy chất lượng tài sản có suy giảm nhưng chưa đến mức đáng báo động. Đáng chú ý, LPB đã sử dụng dự phòng để xử lý 1,2 nghìn tỷ nợ xấu trong Q1/23 so với mức 1,4 nghìn tỷ đồng trong 2022. Mặc dù xử lý nợ xấu tăng mạnh, chi phí dự phòng chỉ là 226 tỷ đồng, tương đương 0,4% dư nợ do LPB đã chủ động dự phòng trong 2022. Do đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đã giảm từ 142% vào cuối năm 2022 xuống còn 111% vào cuối Q1/23.
Dự phóng lợi nhuận 2023-24 không có nhiều thay đổi
Chúng tôi giảm dự phóng NIM, TOI và chi phí dự phòng nhưng nhìn chung vẫn giữ nguyên dự phóng LN ròng 2023-24 là 4,9 nghìn tỷ đồng/5,6 nghìn tỷ đồng. Với việc lãi suất huy động tiếp tục giảm và Thông tư 02 sẽ giúp ngành ngân hàng kiểm soát tốt hơn nợ xấu/ dự phòng, chúng tôi tự tin rằng LPB sẽ đạt được dự phóng.
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 17.400 đồng/cp
LPB hiện đang giao dịch ở mức P/B 2023 là 0,8 lần, thấp hơn nhiều so với mức TB 3 năm là 1,2 lần. Ở mức định giá này, chúng tôi tiếp tục nhận thấy giá trị dài hạn ở cổ phiếu. Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu cao không đổi là 17.400 đồng. Tiềm năng tăng giá gồm (1) NIM cao hơn kỳ vọng và (2) phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến và (2) dự phòng nợ xấu cao hơn dự kiến

Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây