Ngành Ngân hàng – Đánh giá tác động của Thông tư 02-03/2023 và Dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2016
Báo cáo ngành 25/04/2023 2606
- NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 và Thông tư 03/2023 (TT02-03/2023) về việc giãn/hoãn nợ và cho phép ngân hàng tiếp tục mua TPDN.
- Ngoài ra, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung cho TT 41/2016 điều chỉnh hệ số rủi ro (HSRR) khoản vay BĐS của ngân hàng cũng được đưa ra.
- Chúng tôi cho rằng các NHTM như TCB, MBB, VPB, HDB sẽ được hưởng lợi từ TT02-03/2023.
- Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG, BID sẽ hưởng lợi từ dự thảo sửa đổi TT41/2016 nói trên.
Những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản tiếp tục được ban hành…
Theo hướng chỉ đạo của Nghị quyết số 33/2023, NHNN đã đưa ra những chính sách cụ thể hơn nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản (BĐS) qua TT02/2023. Cụ thể, TT02/2023 quy định về việc (1) các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng; và (2) điều chỉnh lại cách trích lập dự phòng đối với các khoản vay nói trên. Nhìn chung, Thông tư này sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt là doanh nghiệp BĐS hiện nay).
… theo đó tác động tích cực lên một số các ngân hàng
Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường BĐS vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với TT02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024. Chúng tôi cho rằng, Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB (hình 2); vì các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh “an toàn” (ít cho vay BĐS, không bao gồm TPDN) trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được giải tỏa phần nào
TT03/2023 đã hoãn thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021, đồng nghĩa với việc tiếp tục cho phép ngân hàng được quyền mua TPDN (có điều kiện kèm theo – hình 1). Đây cũng là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua TPDN, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (~2% tại cuối Q1/23) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa. Ngoài ra, Thông tư cũng sẽ giúp tăng cầu trái phiếu và có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường TPDN như TCB, MBB, VPB (hình 3). Tuy nhiên còn tùy vào khẩu vị rủi ro nhất là trong bối cảnh hiện tại các ngân hàng này cũng ưu tiên việc quản trị rủi ro/cân bằng chất lượng tài sản hơn là mục tiêu tăng trưởng.
Dự thảo sửa đổi TT41/2016 liên quan đến cách tính hệ số rủi ro – tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội
Nhìn chung, dự thảo khuyến khích tăng cho vay các dự án phát triển BĐS khu công nghiệp (KCN), dự án nhà ở xã hội (NOXH) theo các dự án hỗ trợ của Chính phủ, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP (gói hỗ trợ tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng). Chúng tôi nhận thấy rằng, các ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG, BID sẽ được hưởng lợi nếu dự thảo này được chính thức thông qua. Có thể nói, đây là một biện pháp giúp hỗ trợ đà tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này, trong bối cảnh NIM sẽ giảm khá mạnh (trong điều kiện lãi suất đảo chiều, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi huy động do các NH quốc doanh vẫn đang tích cực giảm lãi vay hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn).
Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây