Ngành Vận tải biển và cảng biển – Cơ hội trong khó khăn
Báo cáo ngành 27/12/2022 1637
- Giá cước vận tải biển đang có xu hướng giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp vận tải biển trong giai đoạn 2023-24.
- Triển vọng ngành cảng biển thế giới trung lập nhưng triển vọng Việt Nam có thể tốt hơn nhờ nền tảng vĩ mô được cải thiện.
- Chúng tôi ưa thích GMD và theo dõi PHP, VSC và HAH.
Năm 2023 nhiều thách thức đối với ngành vận tải biển và cảng biển
Chúng tôi cho rằng ngành cảng và vận tải biển toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại cũng như sản lượng vận tải biển. Tuy nhiên, vẫn có một vài yếu tố hỗ trợ tích cực triển vọng ngành trong năm 2023, bao gồm: (1) tình trạng thiếu container đã được giải quyết nhờ nguồn cung container bổ sung trong năm 2022, (2) Trung Quốc đang mở cửa trở lại, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và tiêu dùng toàn cầu, (3) chúng tôi dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ duy trì ở mức khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023, điều này sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu cho các doanh nghiệp vận tải biển và thúc đẩy thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh tương đối phức tạp, chúng tôi cho rằng năm 2023 ngành vận tải và cảng biển toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
LN các doanh nghiệp vận tải giảm giai đoạn 2023-24 do cung vượt cầu
Theo Alphaliner, số lượng đơn đóng tàu mới mới tiếp tục tăng, nâng sản lượng đặt hàng hiện tại đạt 27,9% tổng công suất thị trường – mức cao nhất kể từ năm 2012. Tình trạng dư cung sẽ gây áp lực lên giá cước vận tải biển trong thời gian tới. KQKD của hãng tàu có độ trễ nhất định với biến động của giá cước vận tải biển do các hợp đồng thuê tàu định hạn thường được ký từ 6-12 tháng. Như vậy, tác động của việc giảm giá cước vận tải biển sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến KQKD của các hãng vận tải biển Việt Nam trong giai đoạn 2023-24.
Triển vọng tươi sáng hơn cho các công ty cảng biển giai đoạn 2023-24
Ngành cảng biển Việt Nam sẽ tích cực hơn nhờ FDI vào Việt Nam trở lại mạnh mẽ và một số hiệp định thương mại có hiệu lực. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng container của Việt Nam sẽ tăng trưởng kép 8,6% giai đoạn 2022-30, trong đó các cụm cảng Hải Phòng với tình trạng thừa cung giảm và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang được nâng cấp & có nhiều cơ chế ưu đãi có tiềm năng nhất trong số các cụm cảng. Trong giai đoạn 2023-24, một số dự án mở rộng sẽ được triển khai và đi vào hoạt động như Nam Đình Vũ giai đoạn 2, Gemalink giai đoạn 2 của GMD (6.070 tỷ đồng) và cảng nước sâu của PHP (6.946 tỷ đồng) sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng vượt bậc cho doanh nghệp sở hữu.
Chúng tôi ưa thích GMD
Chúng tôi ưu thích các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng công suất trong khi vẫn duy trì được tăng trưởng LN trong những năm tới, do đó chúng tôi ưa thích GMD. Chúng tôi cũng đưa PHP, VSC và HAH vào danh sách theo dõi do các công ty này cũng có kế hoạch mở rộng và đang ở mức định giá hấp dẫn.
Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây