Ngành Xây dựng hạ tầng – Đảm bảo tăng trưởng nhờ giá trị backlog lớn
Báo cáo ngành 25/05/2023 3741
- Hầu hết các công ty xây dựng hạ tầng niêm yết đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu trong Q1/23 tuy nhiên biên lợi nhuận ròng lại giảm mạnh svck do thiếu hụt khoản lợi nhuận ghi nhận một lần và chi phí lãi vay cao hơn.
- Kỳ vọng giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và giá trị backlog lớn sẽ giúp các công ty xây dựng hạ tầng bứt phá mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận thuần trong giai đoạn 2023-25.
- Chúng tôi kỳ vọng cao tốc dự án Bắc-Nam giai đoạn 1&2 sẽ là động lực tăng trưởng chính cho các công ty xây dựng trong giai đoạn 2023-25.
Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vào cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Kể từ đầu năm 2023, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài suy yếu. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự phóng vốn nhà nước thực hiện tăng 25% so với thực tế thực hiện năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng các công ty xây dựng hạ tầng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Thực tế, giá trị backlog của các công ty hàng đầu đã ghi nhận tăng mạnh trong Q1/23, tương đương từ 3,7x-6,0x so với trung bình doanh thu mảng xây lắp giai đoạn 2021-22.
Triển vọng 2023: doanh thu tăng trưởng khả quan tuy nhiên lợi nhuận ròng lại có phần hạn chế
Trong năm 2023, các công ty xây dựng hạ tầng đều đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ tuy nhiên về mặt lợi nhuận ròng lại có sự hạn chế. Tương tự với kết quả kinh doanh thực tế trong Q1/23, doanh thu các công ty trong ngành ghi nhận tăng 35% svck tuy nhiên lợi nhuận ròng lại giảm 83% svck chủ yếu do thiếu hụt các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần và chi phí lãi vay lớn hơn.
Năng lực tài chính sẽ quyết định đến khả năng sinh lời của các công ty xây dựng hạ tầng
Chúng tôi tin rằng chỉ những doanh nghiệp xây dựng với năng lực thi công tốt, khả năng huy động máy móc thiết bị hợp lí và nguồn vốn dồi dào mới có hiệu quả sinh lời tốt tại dự án cao tốc Bắc-Nam do (1) yêu cầu thời gian thi công ngắn và (2) Chính phủ đã ấn định mức biên lợi nhuận cố định so với giá thầu tại các dự án. Trung bình tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các công ty xây dựng hạ tầng là 1,1x tại cuối Q1/23, đặc biệt, LCG gần như không có nợ vay ròng. Trong khi đó, nếu loại bỏ dư nợ vay tại dự án BOT Nam Bến Thủy 2, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của C4G là 0,5x tại cuối Q1/23, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành.
Chúng tôi tin rằng C4G và LCG sẽ được hưởng lợi lớn từ làn sóng bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam
Rủi ro giảm giá bao gồm: (1) giải ngân đầu tư công chậm hơn dự kiến, và (2) thiếu hụt vật liệu xây dựng do quá trình cấp phép khai thác tại các mỏ chậm hơn dự kiến.
Động lực tăng giá là giá vật liệu xây dựng thấp hơn kỳ vọng, hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của các công ty xây dựng hạ tầng.
Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây