Podcast ngày 29.12.2020 – Tổng thống Trump ký thông qua dự luật cứu trợ Covid 900 tỷ USD
Thông tin đấu giá/ IPO 29/12/2020 917
Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/12/2020
1. Vĩ mô quốc tế
Tổng thống Trump ký thông qua dự luật cứu trợ Covid 900 tỷ USD
Theo tuyên bố của giới chức Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã ký thành luật gói cứu trợ Covid-19 trị giá gần 900 tỷ USD ngay trước thời hạn chót vào đêm 27/12 và tránh nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa. Biện pháp này bổ sung khoản bổ sung thất nghiệp liên bang 300 USD mỗi tuần cho đến giữa tháng Ba. Tạm thời mở rộng các chương trình giúp người lao động tự do và hợp đồng đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp và thêm vào số tuần người Mỹ thất nghiệp có thể nhận được viện trợ.
Dự luật này cũng bao gồm 600 USD thanh toán trực tiếp cho hầu hết các cá nhân và thêm 600 USD cho mỗi trẻ em. Dự luật bao gồm một đợt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ khác, hầu hết trong số đó đến từ khoản vay của Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP). Dự luật cũng đầu tư gần 30 tỷ USD vào việc phân phối vắc xin Covid-19 và đảm bảo người Mỹ có thể tiêm phòng miễn phí. Biện pháp này cũng hướng hơn 20 tỷ USD vào các nỗ lực thử nghiệm Covid-19.
Đảng Dân chủ cho biết họ sẽ nhanh chóng thúc đẩy một dự luật cứu trợ khác, chủ yếu là các khoản thanh toán trực tiếp và viện trợ của chính quyền địa phương và bang, sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1. Khả năng thông qua dự luật của họ một phần sẽ phụ thuộc vào việc đảng Cộng hòa có giữ quyền kiểm soát của Thượng viện trong cuộc bầu cử ngày 5/1 ở Georgia.
Ông Biden: Mỹ đối mặt 4 cuộc khủng hoảng lịch sử cùng lúc
Trên mạng xã hội Twitter, ông Biden viết rằng 4 cuộc khủng hoảng này bao gồm đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và công bằng chủng tộc. “Cho đến tháng 1-2021, không còn thời gian để lãng phí. Đó là lý do tại sao tôi và nhóm của mình sẽ làm việc chăm chỉ để chuẩn bị hành động vào ngày đầu tiên (của nhiệm kỳ tổng thống)” – ông Biden tuyên bố.
Trong khi đó, sáng 27-12, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, cảnh báo Washington sẽ phải đối mặt với điều tồi tệ nhất trong đại dịch Covid-19 những tuần sắp tới vì các kỳ nghỉ lễ. CNN dẫn lời ông Fauci nói: “Lý do khiến tôi và các đồng nghiệp lo ngại là chúng ta rất có thể chứng kiến sự gia tăng đại dịch Covid-19 sau Lễ Giáng sinh và Năm mới. Chúng ta thực sự đang ở một thời điểm rất quan trọng. Vì vậy, tôi chia sẻ mối lo ngại của Tổng thống đắc cử Joe Biden rằng trong vài tuần tới, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn”.
Ông Biden tuần trước đưa ra tuyên bố ảm đạm rằng những ngày đen tối nhất nhằm chống lại đại dịch Covid-19 “đang ở phía trước chứ không phải ở phía sau chúng ta”.Dữ liệu của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy tổng số trường hợp mắc Covid-19 tại Mỹ là 19.107.675 trường hợp tính đến ngày 27-12, trong khi số ca tử vong là 333.069 ca.
Từ “gà đẻ trứng vàng” biến thành ác mộng, các nhà đầu tư quốc tế mắc kẹt với Ant Group và Jack Ma
2 tháng trước, các nhà đầu tư trên toàn thế giới trong đó có cả những quỹ sừng sỏ như Warburg Pincus, Carlyle, Temasek và GIC đang háo hức với viễn cảnh sẽ nhận được “lộc trời cho” không nhỏ từ vụ IPO lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giờ đây lợi nhuận mà họ thu được từ hàng trăm triệu USD đã bỏ vào Ant Group lại đang đứng trước nguy cơ biến mất. Hôm qua (27/12), chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh yêu cầu Ant rà soát lại các dịch vụ fintech mà công ty này đang cung cấp (trải rộng từ quản lý tài sản đến tín dụng tiêu dùng và bảo hiểm), đồng thời quay trở về với “gốc rễ” ban đầu là dịch vụ thanh toán.
Mặc dù thông báo từ NHTW Trung Quốc (PBOC) rất ngắn gọn, đó là một đòn giáng mạnh đe dọa đà tăng trưởng và những mảng kinh doanh sinh lời nhất của đế chế tài chính mà tỷ phú Jack Ma đã dày công gây dựng. Các nhà quản lý không trực tiếp yêu cầu phải chia tách Ant, nhưng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Ant “cần hiểu được sự cấp thiết phải cải tổ” và đưa ra 1 kế hoạch cũng như lộ trình cải tổ càng sớm càng tốt. Giới chức cũng chê trách Ant yếu kém trong khâu quản trị doanh nghiệp và không tuân theo các yêu cầu của cơ quan quản lý. Theo PBOC, Ant đã sử dụng vị thế thống trị thị trường để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, gây tổn hại đến lợi ích của hàng trăm triệu khách hàng.
Đáp lại, Ant cho biết sẽ thành lập 1 đội đặc nhiệm để tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý. Công ty tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các dịch vụ đang cung cấp cho người dùng, cam kết không tăng giá và tăng cường quản trị rủi ro. PBOC cũng yêu cầu công ty có trụ sở tại Hàng Châu sẽ phải thành lập 1 công ty tài chính riêng biệt để đảm bảo tuân thủ pháp luật và có đủ vốn.
2. Vĩ mô Việt Nam
Thủ tướng quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, phân lại nhiệm vụ của HOSE và HNX
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange) theo mô hình công ty mẹ – con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo đó, Vietnam Exchange với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vietnam Exchange có tên viết tắt là VNX, trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ 2 sở HNX và HoSE. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2021.
VNX có mục tiêu xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và hàng năm; Xây dựng và ban hành các quy chế niêm yết, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin; Quảnh lý, giám sát 2 Sở giao dịch theo quy định của pháp luật; Báo cáo, kiến nghị UBCKNN các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính vẹn toàn của TTCK Việt Nam, Hợp tác quốc tế về chứng khoán và TTCK với các Sở GDCK trên thế giới…
Một điểm đáng chú ý trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phân công nhiệm vụ chính của 2 Sở giao dịch HNX và HoSE.Trong đó, HNX sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành TTCK Phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định pháp luật. Trong khi đó, HoSE sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật.
Kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu kép, khi lạm phát chỉ 3,23%
Không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc diện cao nhất thế giới – 2,91%, nền kinh tế Việt Nam có thể nói đã đạt thành công kép khi đã kiểm soát lạm phát ở mức chỉ 3,23%, đạt mục tiêu đề ra (kiểm soát dưới 4%). Con số này vừa được Tổng cục Thống kê công bố vào chiều ngày 27/12/2021. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước.
Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng là những yếu tố làm cho CPI tháng 12 tăng. Tuy nhiên, mức tăng nhẹ của CPI tháng 12 khiến CPI bình quân năm nay chỉ tăng 3,23% so với năm 2019. Nếu tính riêng quý IV, thì CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý IV/2019.
Có thể nói, trong năm 2020, diễn biến lạm phát chịu nhiều áp lực tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng bởi giá hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới, nhất là giá dầu, giá lương thực, thực phẩm… Đầu năm, nhiều ý kiến lo ngại về việc CPI năm nay sẽ tăng cao. Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 12/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019. Tuy nhiên, nhờ các cấp, các ngành đã tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch và ổn định thị trường, nhất là với giá cả thịt lợn, mặt hàng ảnh hưởng khá nhiều tới diễn biến CPI hồi đầu năm, tốc độ tăng CPI đã có xu hướng giảm dần.
Hơn 110.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, hoạt động
Chia sẻ tại buổi họp báo quý IV chiều 27/12, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong tháng 12, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký xấp xỉ 357 nghìn tỷ đồng, số lao động đăng ký 73 nghìn người. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 33,4 tỷ đồng, tăng 53,4% so với tháng trước và tăng 144,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 12, cả nước còn có 5.358 DN quay trở lại hoạt động; 2.251 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.419 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 2.021 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Tính chung năm 2020, theo bà Hương, cả nước có khoảng 135 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 2,2 triệu tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn người, giảm 2,3% về số DN, tăng 29% vốn đăng ký và giảm 17% về số lao động so với năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trong đó, 46,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. Trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Về nguyên nhân, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chủ yếu do dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, khi phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch COVID-19, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Thương mại toàn cầu, giá cả hàng hóa đang dần được phục hồi, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong tháng 11 và tháng 12 nhờ tín hiệu tích cực từ sản xuất và hiệu quả của vắc-xin phòng COVID-19.
3. Các kênh đầu tư
Nhiều quốc gia áp thuế đối với tiền kỹ thuật số
Theo báo cáo từ Globes, Cơ quan Thuế Israel (ITA) hiện đang đề xuất quy định áp thuế đối với đầu tư tiền kỹ thuật số. Cụ thể, các công dân sở hữu tiền kỹ thuật số sẽ phải khai báo đầy đủ tất cả các tài sản số của mình để nộp thuế theo quy định. Trước đó, ITA đã tuyên bố, các nhà đầu tư nắm giữ tài sản kỹ thuật số sẽ phải chịu mức thuế 25% đối với lợi nhuận thu được. Tuy nhiên, nếu các cá nhân thành lập doanh nghiệp thì sẽ bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc thuế cận biên phụ thuộc vào từng khung thuế riêng lẻ. Đồng thời, ITA cũng đang tận dụng các quy định về Tiêu chuẩn Báo cáo Chung (CRS) của Liên minh Châu Âu để tự động hóa việc trao đổi dữ liệu giữa các sàn giao dịch có trụ sở tại Châu Âu và ITA, nơi mà các công dân của họ có thể đã giao dịch tài sản kỹ thuật số. Mối quan tâm mới đối với việc đánh thuế lên loại tiền này có thể được coi là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Israel nhằm tăng thu ngân sách nhà nước.
Không chỉ Israel, Nga cũng đang gấp rút thực hiện mục tiêu đánh thuế đối với tiền kỹ thuật số. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã đưa ra một đề xuất, trong đó có yêu cầu áp thuế đối với các loại tiền mã hoá được khai thác. Các chuyên gia tài chính cho rằng, đề xuất thuế đối với tiền kỹ thuật số sẽ giúp điều chỉnh thị trường không rơi vào tình trạng bất ổn khi các thợ đào tìm thấy tài sản trong quá trình khai thác từ một hệ thống ẩn danh. Phó Chủ tịch Ngân hàng ADB, ông Anatoly Kozlachkov cũng nhận định tiền mã hoá được tạo ra không phải là một phát hiện ngẫu nhiên. Về mặt pháp lý, những tài sản này được cho ra đời tương tự như việc tạo ra nông sản, trái cây, hay các mặt hàng khác nên phải chịu thuế suất. Ngoài Nga, một số quốc gia khác đã và đang nỗ lực để công nhận các tài sản kỹ thuật số nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng. Đây cũng là một trong những lý do mà các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến tiền kỹ thuật số.