Hợp tác cùng phát triển

“Cuộc chiến” khốc liệt giữa chứng chỉ quỹ và tiền gửi tiết kiệm ngày nay

Góc nhìn chuyên gia 23/03/2021    20852

Chia sẻ

Chứng chỉ quỹ và gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là 2 hình thức được các nhà đầu tư thuộc trường phái an toàn ưa chuộng. Cả hai đều có mức rủi ro khá thấp và mang tính dài hạn, lãi suất cũng khá ổn định. Tuy nhiên, liệu đâu mới là con đường lý tưởng nhất trong thời điểm hiện tại? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết sau.

Chứng chỉ quỹ và gửi tiền tiết kiệm: Đâu mới thật sự là “chỗ trú ẩn” tuyệt vời nhất dành cho bạn?

Trong bối cảnh tình hình kinh tế và xã hội có nhiều biến động, không ít nhà đầu tư cá nhân bắt đầu chuyển sang hướng chứng chỉ quỹ và tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, cốt lõi của việc đầu tư vẫn là để sinh lời. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu cả quỹ và tiền gửi đều an toàn, thì cái nào tạo ra nhiều lợi nhuận hơn?

Chứng chỉ quỹ là gì? Đâu là những điểm cơ bản cần phân tích về loại hình đầu tư này?

Sở dĩ ta cần nhắc lại một chút về khái niệm chứng chỉ quỹ là vì hình thức này vẫn hay bị nhầm lẫn với cổ phiếu. Cả 2 đều là sản phẩm chứng khoán, đều xác nhận quyền sở hữu cổ phần doanh nghiệp của nhà đầu tư. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ, quỹ tập hợp vốn của nhiều nhà đầu tư, và công ty quản lý quỹ sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư không can thiệp vào quyết định của công ty quỹ hay doanh nghiệp mình sở hữu cổ phần. 

Chứng chỉ quỹ

Chúng ta có thể phân loại quỹ theo 4 dạng tiêu chí khác nhau, bao gồm:

Phương thức đầu tư:

  • Quỹ đầu tư chủ động: Sử dụng danh mục đầu tư để đạt tỷ suất sinh lời kỳ vọng hoặc đạt trên mức trung bình thị trường;
  • Quỹ đầu tư bị động (ETF): Sử dụng danh mục đầu tư để mô phỏng một chỉ số chứng khoán trên thị trường. 

Cấu trúc vận động vốn:

  • Quỹ mở: Công ty quỹ mua lại chứng chỉ bất kỳ lúc nào nhà đầu tư có nhu cầu bán;
  • Quỹ đóng: Chỉ phát hành một lần, không mua lại chứng chỉ từ nhà đầu tư. Sau khi hết hạn huy động vốn, chứng chỉ quỹ sẽ được đưa lên sàn chứng khoán.

Nguồn vốn huy động:

  • Quỹ đại chúng: Phát hành chứng chỉ rộng rãi ra công chúng, không giới hạn số người đầu tư;
  • Quỹ thành viên: Phát hành riêng cho một nhóm nhà đầu tư nhất định. 

Cơ cấu tổ chức và hoạt động:

  • Quỹ mô hình công ty: Công ty quản lý quỹ đóng vai trò một nhà tư vấn và chịu trách nhiệm hoạch định và tiến hành đầu tư;
  • Quỹ mô hình hợp động: Quỹ ủy thác cho một bên thứ 3 phụ trách việc đầu tư dựa trên hợp đồng. 

Vì sao bạn nên cân nhắc đầu tư vào chứng chỉ quỹ? 

Thực tế, có 4 lý do thuyết phục:

  • Một đội ngũ chuyên viên tài chính từ công ty quỹ sẽ thay bạn kiếm tiền;
  • Danh mục đầu tư được đa dạng hóa, từ đó rủi ro cũng được chia nhỏ;
  • Chứng chỉ quỹ có khả năng thanh khoản cao;
  • Quyền lợi được đảm bảo bởi các cơ quan có thẩm quyền. 

Tuy nhiên, loại hình này vẫn tồn tại 3 hạn chế sau:

  • Phải tốn chi phí hoa hồng cho công ty quản lý quỹ;
  • Công ty quỹ không cam kết lợi nhuận 100%;
  • Nhà đầu tư không được can thiệp vào các quyết định của quỹ.

Bạn nên đầu tư vào hình thức nào? Chứng chỉ quỹ, gửi tiết kiệm hay là… cả hai?

Cuộc “so găng” giữa gửi tiền tiết kiệm và chứng chỉ quỹ vẫn chưa đến hồi kết, vì cả hai đều có những triển vọng riêng, bất chấp tác động của dịch bệnh COVID-19 lên nền kinh tế. 

Chọn chứng chỉ quỹ hay gửi tiết kiệm?

Tiền gửi vẫn là kênh phân bổ nguồn tiền an toàn và gần gũi nhất từ xưa đến nay. Với hình thức gửi sổ, đến hạn rút ra để kiếm lời đang được rất nhiều người tin tưởng và lựa chọn, đặc biệt là khi chọn gửi ở những ngân hàng lớn uy tín và đa dạng gói tham gia. Với tiền gửi tiết kiệm, người gửi có thể chọn ngắn hạn để kích hoạt lãi cao hơn, hoặc gửi dài hạn để tích luỹ lãi nhiều hơn. Theo thống kê cuối năm 2020, số tiền gửi của 28 ngân hàng TMCP hơn 8,6 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019. Còn các ngân hàng quốc doanh khác cũng công bố mức tăng trưởng hơn 10%. Con số này cho thấy sức hút của lãi suất tiết kiệm đến tâm lý đầu tư không hề nhỏ. 

So với tiền gửi tiết kiệm thì thị trường chứng chỉ quỹ cũng chẳng hề kém cạnh. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (LSD), trên thị trường có hơn 2.5 triệu tài khoản đầu tư cá nhân và hơn 10,000 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức. Quỹ được đảm bảo nhiều trong tương lai và có sự góp mặt của nhiều tổ chức tài chính ngân hàng lớn, chứng tỏ sức hấp dẫn luôn cao.

Ở đầu tư quỹ, nhà đầu tư có thể kiếm tiền trong ngắn hạn hoặc dài hạn, tuỳ theo nhu cầu. Khi đặt tài khoản tiết kiệm và quỹ đầu tư lên bàn cân, chúng ta có thể đánh giá theo các tiêu chí sau đây:

  • Mức độ sinh lời: Đặt trong bối cảnh thị trường tăng trưởng ổn định, lợi nhuận mà chứng chỉ quỹ mang lại có thể lên đến 10%, cao hơn nhiều so với tiền gửi tiết kiệm. Về lâu dài, quỹ mở cũng được đánh giá là có tiềm năng lợi nhuận cao hơn.
  • Mức độ an toàn: Xét về mặt này, tiền gửi tiết kiệm chiếm ưu thế hơn vì nó hầu như không chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư quỹ có thể trắng tay nếu thị trường di chuyển đi xuống và không có tín hiệu hồi phục. 
  • Về thanh khoản: Dễ dàng thấy được, chứng chỉ đầu tư quỹ có mức thanh khoản cao hơn vì nó được trao đổi trên sàn chứng khoán, còn tiền gửi tiết kiệm bị lệ thuộc vào kỳ hạn đăng ký ký gửi.

Vậy tại sao bạn phải chọn một, trong khi có thể chọn cả hai?! Thật vậy. Theo lời khuyên của các chuyên gia tài chính, bạn nên phân bổ nguồn lực vốn hiện có của mình ra thành nhiều phần khác nhau. Trong đó, mức khuyến khích dành cho quỹ là 20 – 30%. Có như vậy, bạn sẽ tận dụng được cả triển vọng lợi nhuận của quỹ và các chứng khoán khác, nhưng vẫn đảm bảo “ăn chắc mặc bền” với tài khoản tiết kiệm.  

Để kiểm tra sức khoẻ tài chính và lên kế hoạch đa dạng hoá đầu tư, vui lòng nhấn TẠI ĐÂY. Chỉ với 5 phút, bạn sẽ biết rõ tình trạng sức khỏe tài chính của mình đang ở mức nào và chọn kênh hợp lý!

2 loại chứng chỉ quỹ “đỉnh của chóp” mà bạn nên cân nhắc đầu tư ngay hôm nay

Chứng chỉ quỹ có nhiều loại khác nhau, tuy nhiên, quỹ mở và quỹ hoán đổi danh mục ETF là 2 loại quỹ đang hút thị trường nhất ở thời điểm hiện tại. 

Quỹ đầu tư mở

Quỹ mở là loại hình đầu tư tập thể, được quản lý bởi một công ty đầu tư. Quỹ sẽ kêu gọi nguồn vốn đầu tư vào một danh mục đa dạng loại hình chứng khoán khác nhau. Yếu tố “mở” của quỹ này nằm ở mặt số lượng nhà đầu tư tham gia và thời hạn tham gia. Nhà đầu tư có quyền tham gia và rút vốn bất kỳ lúc nào. 

Chứng chỉ quỹ qua Quỹ mở

Quỹ mở được chia làm 3 loại: 

  • Quỹ cổ phiếu: Danh mục gồm nhiều loại cổ phiếu khác nhau, rủi ro và lợi nhuận cao;
  • Quỹ cân bằng: Danh mục gồm hỗn hợp trái phiếu và cổ phiếu theo tỷ lệ nhất định, rủi ro và lợi nhuận cân đối;
  • Quỹ trái phiếu: Danh mục gồm nhiều loại trái phiếu khác nhau, rủi ro và lợi nhuận thấp.

Đầu tư vào chứng chỉ quỹ mở mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi ích:

  • Danh mục đầu tư đa dạng. Nhà đầu tư có thể sở hữu cùng lúc nhiều chứng chỉ khác nhau để tăng thêm danh mục;
  • Được quản lý bởi đơn vị chuyên nghiệp, có trình độ cao;
  • Tính thanh khoản cao hơn nhiều so với quỹ đóng;
  • Có thể rút vốn hoặc bán lại chứng chỉ dễ dàng;
  • Nguồn vốn yêu cầu ban đầu không quá cao, phù hợp với nhiều nhà đầu tư khác nhau;
  • Không đòi hỏi bạn phải có kỹ năng giao dịch, đầu tư hoặc theo dõi thị trường. 

Một số quỹ mở uy tín, thu hút nguồn vốn lớn hiện nay có thể kể đến như: MBVF, VCBF, VFF, TCBF, VNDAF, SSI-SCA.

Quỹ hoán đổi danh mục ETF

ETF (Exchange Traded Fund) là tập hợp các chứng khoán mô phỏng tỷ suất sinh lời của các chỉ số. Đây được xem là quỹ đầu tư thụ động, các chứng khoán trong danh mục của quỹ này thường tập trung trong một lĩnh vực kinh doanh nhất định. Số lượng chứng khoán trong quỹ không cố định mà sẽ tăng giảm liên tục.

Quỹ hoán đổi ETF

Nếu bạn muốn bán lại chứng chỉ quỹ ETF thì có 2 cách thức:

  • Bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư khác;
  • Bán ngược lại cho quỹ.

ETF là hình thức đầu tư khá mới mẻ, song vẫn được đón nhận ngày một nhiệt tình, nhờ vào 5 ưu điểm vượt trội sau:

  • Danh mục đầu tư đa dạng với chi phí thấp: Do đây là hình thức quỹ phái sinh, mô phỏng lại một danh mục chứng khoán nên sẽ “sao chép” được cả tỷ trọng của nó;
  • Tính chuyên môn hóa nhất định: Bạn có thể chọn quỹ ETF với các cổ phiếu thuộc lĩnh vực mà mình am hiểu hoặc thấy có triển vọng;
  • Không tốn phí gia nhập hoặc rút vốn;
  • Dễ dàng mua đi bán lại vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian giao dịch;
  • Cho phép sử dụng đòn bẩy khuếch đại lợi nhuận (đối với quỹ danh mục CFD).

Chỉ tính riêng trong năm vừa qua, đã có đến 5 quỹ ETF mới được ra mắt thị trường. Một số quỹ ETF tiêu biểu hiện nay mà bạn có thể cân nhắc rót vốn bao gồm: VNDiamond, VNFinlead, VNinselect và VFMVN30. 

Nhìn chung, chứng chỉ quỹ và cả gửi tiền tiết kiệm đều là những hình thức đầu tư an toàn, sinh lời ổn định mà bạn nên cân nhắc, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện tại. Khi chọn đầu tư quỹ, bạn cần xem xét kỹ uy tín công ty quản lý quỹ, cũng như tiềm năng của danh mục mà họ cung cấp để đưa ra quyết định thật chuẩn xác. Chúc bạn thành công nhé!