Thị trường chứng khoán Việt Nam: Làm gì trong tâm bão COVID 19?
Thông tin đấu giá/ IPO 17/03/2020 783
Góc nhìn chuyên gia: Làm gì trong tâm bão COVID 19?
1. Chúng ta đang ở đâu?
Tâm dịch COVID 19 đã chuyển từ các nước Châu Á sang Châu Âu với Italia, Đức, Pháp, và Tây Ban Nha đang phong tỏa hoặc bán phong tỏa toàn quốc. Chính sách phong tỏa tác động mạnh tới nền kinh tế các nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ, và đầu tư tài sản cố định 2 tháng đầu 2020 của Trung Quốc giảm rất mạnh, lần lượt là 13.5%, 20.5% và 24.5%. Đây là lần đầu tiên sau 30 năm, sản lượng công nghiệp Trung Quốc suy giảm.
2. Chúng ta sẽ đi về đâu?
Số liệu kinh tế của Trung Quốc chính là bức tranh của Châu Âu trong các tháng tới đây. Đặc biệt đáng lo ngại là dịch bệnh có xu hướng bùng phát mạnh tại Mỹ, nơi mà tỷ lệ xét nghiệm Covid trên đầu người dân còn rất thấp. Tính tới 8h sáng ngày 16/03/2020 Mỹ công bố 3700 ca nhiễm nhưng ước tính số người đã nhiễm thực tế là 10 nghìn tới 40 nghìn ca. Do vậy sau Châu Âu, Mỹ có thể phong tỏa các bang trong thời gian tới.
Các nhà kinh tế đánh giá nền kinh tế Mỹ có thể dừng hoạt động trong 1-2 tháng nhưng quá thời gian đó thì đại suy thoái sẽ xảy ra. Các chuyên gia dịch tễ cho rằng ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát trong mùa Xuân này thì rất có thể dịch sẽ bùng phát trở lại vào mùa Thu.
Xác suất xảy ra suy thoái kinh tế là rất cao. Câu hỏi đặt ra là suy thoái nghiêm trọng tới đâu? Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, và chủ tịch ECB Christine Lagarde đều cảnh báo cuộc suy thoái này có thể trầm trọng như đại khủng hoảng tài chính năm 2008 hoặc thậm chí nguy hiểm hơn.
Vì sao? Nguyên nhân là hệ thống kinh tế thế giới đang rất mong manh với tỷ lệ nợ lớn, cả ở khu vực công và tư. Dịch Covid 19 không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng mà còn làm cho rất nhiều doanh nghiệp giảm và mất hẳn doanh thu ít nhất trong vài tháng. Suy thoái kinh tế, tỷ lệ nợ lớn, chính sách tiền tệ và tài khóa bị hạn chế khiến cho vòng xoáy đi xuống càng trầm trọng hơn.
3. Chúng ta nên làm gì trong giai đoạn này?
Khủng hoảng sẽ loại bỏ các công ty có nợ nhiều, mô hình kinh doanh kém bền vững và ban lãnh đạo thiếu cạnh tranh. Tương tư, nhà đầu tư cá nhân không có chiến lược rõ ràng, nợ nhiều, và không làm chủ được cảm xúc sẽ bị thị trường đào thải.
Do đó chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư đừng mua chỉ vì cổ phiếu giảm giá mà hãy xem mục tiêu đầu tư, thời gian đầu tư và khả năng chịu đựng rủi ro của mình ra sao? Tỷ lệ phân bổ tài sản đã hợp lý chưa? Và trên hết là không nên dùng quỹ dự phòng của mình để mua bán chứng khoán.
Khi đầu tư trong dài hạn, việc thị trường có những lúc giảm mạnh là điều khó tránh khỏi. Với kế hoạch và sức khỏe tài chính vững vàng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tận dụng những cơ hội như thế này để phân bổ thêm tài sản vào kênh cổ phiếu để tích sản cho tương lai.
Đón xem các clip nhận định của chúng tôi vào tuần kế tiếp!