Tiêu điểm vĩ mô – Triển vọng tăng trưởng gặp nhiều thách thức
Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 25/08/2020 904
- Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 trong kịch bản cơ sở xuống 3,5% do sự bùng phát của làn sóng COVID-19 thứ 2.
- Chúng tôi giữ nguyên dự phóng lạm phát bình quân năm 2020 ở mức 3,2%.
- Đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong những quý tới.
Việt Nam ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng sau 100 ngày
Đợt bùng phát mới bắt đầu từ ngày 25/7/2020 khi một người đàn ông 57 tuổi ở Đà Nẵng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Đây là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày Việt Nam không phát hiện bất kỳ trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng. Sau đó, đợt bùng phát đã lan ra 15 tỉnh, thành của đất nước, bao gồm hai thành phố lớn nhất, với tổng số ca nhiễm là 525 người (dữ liệu cập nhật ngày 20/08).
Làn sóng thứ 2 phủ bóng lên tăng trưởng 6 tháng cuối năm
Làn sóng COVID-19 thứ 2 đang có tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tiêu dùng và thị trường lao động. Quá trình phục hồi của ngành du lịch nội địa sẽ bị gián đoạn do người dân hủy, hoãn các chuyến du lịch sắp tới do lo ngại dịch bệnh lây lan. Việc thực hiện giãn cách xã hội tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, cùng với đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, dịch vụ mát-xa, giải trí ngoài trời tại các tỉnh, thành phố khác có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng cũng kéo theo sự sụt giảm của một số ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn tác động tiêu cực tới thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 2,7% trong Q2/20, mức cao nhất trong một thập kỷ, từ mức 2,2% trong Q1/20. Chúng tôi cho rằng số lượng người mất việc làm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới do ảnh hưởng của COVID-19.
Chính phủ thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% sv cùng kỳ 2019 và là mức tăng nửa đầu năm thấp nhất trong giai đoạn 2016-20. Vốn từ khối doanh nghiệp FDI suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2020, với vốn FDI giải ngân giảm 4,9% sv cùng kỳ về mức 8,7 tỷ USD, vốn FDI đăng ký giảm 6,9% sv cùng kỳ và chỉ đạt 18,8 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã tăng giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng. Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 157,4 nghìn tỷ, tăng 21,5% sv cùng kỳ năm trước. Đầu tư công tiếp tục tăng nhanh trong tháng 7, đạt 45,7 nghìn tỷ, tăng 13,6% sv tháng 6 và đưa tổng nguồn vốn giải ngân trong 7 tháng đầu năm 2020 lên 203 nghìn tỷ, tăng 27,2% sv cùng kỳ 2019 và hoàn thành 42,7% kế hoạch giải ngân cả năm.
Xuất khẩu duy trì tăng trưởng bất chấp khó khăn do COVID-19
Theo Tổng cục Hải Quan, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2020 tăng 10,2% sv tháng 6 lên 24,9 tỷ USD (tăng 8,2% sv cùng kỳ 2019), ghi nhận giá trị xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2019. Lũy kế 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tăng nhẹ 1,5% sv cùng kỳ 2019 lên 147,6 tỷ USD. Đặc biệt, đà tăng đến từ nhóm doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 52,2 tỷ USD, tăng tới 13,7% sv cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2020 giảm 3,2% sv cùng kỳ xuống 139,2 tỷ USD do cầu tiêu dùng trong nước suy yếu trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập của người lao động sụt giảm. Do đó, xuất siêu 7 tháng đầu năm 2020 đạt mức 8,4 tỷ USD, tăng mạnh sv mức 1,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Hạ dự báo tăng trưởng GDP 2020 xuống 3,5% trong kịch bản cơ sở
Chúng tôi nhận thấy ngành dịch vụ và thị trường lao động có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng tới do dịch bệnh. Do đó, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 xuống 3,5% trong kịch bản cơ cở (từ mức 4,5% trước đó), trong đó, ngành dịch vụ, công nghiệp & xây dựng và nông, lâm, thủy sản lần lượt tăng tương ứng 3,2%, 6,6% và 3,2% trong 6 tháng cuối năm 2020. Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn nhờ hưởng lợi từ nhu cầu bên ngoài phục hồi sau COVID-19 và xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Xem thêm báo cáo chi tiết TẠI ĐÂY