Đầu tư trái phiếu trong nước và các quy định mới cần quan tâm!
Góc nhìn chuyên gia 19/05/2021 4449
Đầu tư trái phiếu luôn thu hút đông đảo các nhà đầu tư thay vì chạy theo cổ phiếu hoặc những tài sản tài chính khác. Một trong những lý do thúc đẩy các nhà đầu tư này có hứng thú với trái phiếu đó là dù tình hình biến động như thế nào thì họ vẫn được trả một khoản lãi suất nhất định theo cam kết. Hiện tại, trái phiếu có 2 loại, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp hay chính phủ. Nếu bạn đang chuẩn bị đầu tư vào loại tài sản này thì việc tìm hiểu những thông tin cũng như quy định về chúng không thể bỏ qua.
Những quy định mới về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp công bố từ phía Chính phủ Nhà nước Việt Nam
Đầu tư trái phiếu trong bối cảnh hệ thống xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp chưa phát triển tại Việt Nam, làm thế nào để nhà đầu tư có thể lựa chọn được tổ chức phát hành đáng tin cậy? Việc đánh giá một doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần cẩn trọng và dựa trên nhiều yếu tố như triển vọng kinh doanh, uy tín của ban lãnh đạo, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Một mặt về phía những thông tin pháp lý của Chính phủ nước ta về trái phiếu cũng là thông tin quan trọng mà các nhà giao dịch cần phải quan tâm hàng đầu.
Điều kiện và điều khoản về đầu tư trái phiếu theo Nghị định mới của Chính phủ áp dụng từ năm 2020
Một số điểm mà nhà đầu tư trái phiếu cần chú ý trong Điều 6 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về trái phiếu phải được đảm bảo các điều kiện, điều khoản cơ bản nhất như sau:
- Kỳ hạn trái phiếu: Doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
- Khối lượng phát hành: Doanh nghiệp quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
- Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu: Đối với trái phiếu chào bán tại Việt Nam thì đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc của trái phiếu là đồng Việt Nam.
- Mệnh giá trái phiếu: Với trái phiếu chào bán tại Việt Nam, quy định về mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam.
- Hình thức: Được chào bán dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt chào bán.
- Lãi suất danh nghĩa trái phiếu: phần này rất quan trọng khi đầu tư trái phiếu, có thể xác định theo một trong các phương thức sau:
- Lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu
- Lãi suất thả nổi
- Lãi suất cố định và thả nổi (kết hợp)
- Loại hình trái phiếu: Doanh nghiệp phát hành quyết định theo quy định pháp luật.
- Phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu: Doanh nghiệp phát hành quyết định dựa theo nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành để công bố khi chào bán.
Quy định về đối tượng đầu tư trái phiếu (mua trái phiếu) khi chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước
Về quy định đối tượng đầu tư trái phiếu (mua trái phiếu), căn cứ Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP:
- Chào bán trái phiếu thị trường trong nước, đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán;
- Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền; đối tượng mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
- Lưu ý thêm: tổ chức phát hành có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán (đầu tư trái phiếu) chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Thêm vào đó, điều kiện chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước phải tuân theo Điều 9 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, về phía doanh nghiệp, nếu có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này có phương án phát hành trái phiếu (trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán) thì được tiến hành chào bán trái phiếu thành nhiều đợt (Điều 10 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP). Vậy, ngoài phải tuân theo Điều 8 của Nghị định thì phía nhà phát hành trái phiếu (doanh nghiệp) còn phải đáp ứng thêm 2 điều: 9 và 10 của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Nhà đầu tư trái phiếu cần chú ý quy định về thanh toán lãi, gốc của trái phiếu tại thị trường trong nước
Các nhà đầu tư trái phiếu sẽ rất chú trọng quy định về phần này. Theo Điều 17 của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, nhà phát hành trái phiếu ( doanh nghiệp) phải bố trí nguồn trả nợ lãi, gốc trái phiếu từ các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp và tiến hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã thỏa thuận.
- Trường hợp trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản, nếu doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được đem ra xử lý để thực hiện đúng nghĩa vụ bảo đảm của trái phiếu theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp, trái phiếu được bảo lãnh thanh toán: khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc thì bên phía tổ chức bảo lãnh thanh toán có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán cho doanh nghiệp theo cam kết mà tổ chức bảo lãnh thanh toán và doanh nghiệp phát hành nêu tại phương án phát hành trái phiếu và mọi thông tin đã công bố cho nhà đầu tư trước đó.
Trên đây là một số thông tin cô đọng, mới nhất mà nhà đầu tư trái phiếu cần nắm từ những quy định của Chính phủ. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm và theo dõi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong những số sau nếu có thay đổi.
>>> Xem thêm: Thị trường trái phiếu Việt Nam TẠI ĐÂY
Bài viết được tham khảo từ nguồn chính thức của Cổng thông tin điện tử Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.