VPB – Ưu tiên chất lượng tài sản hơn lợi nhuận – Cập nhật
Báo cáo phân tích DN 18/05/2020 1484
- LN ròng Q1/2020 tăng mạnh 62,7% sv cùng kỳ mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhờ tăng cường quản lý chi phí và quản lý rủi ro.
- LN ròng Q1/2020 đạt 2.314 tỷ, thấp hơn và chỉ đạt 23% dự báo năm 2020 của chúng tôi.
- Hạ khuyến nghị xuống Trung lập và giảm giá mục tiêu xuống VND25.000/cp.
Giá Thị trường |
Giá Mục tiêu |
Tỷ suất cổ tức |
Khuyến nghị |
Nghành |
VND 23.900 |
VND 25.000 |
0% |
TRUNG LẬP |
Ngân hàng |
Thu nhập tăng trưởng cao nhưng biên lãi suất (NIM) đang giảm
VPBank (VPB) ghi nhận thu nhập lãi tăng 18,2% sv cùng kỳ trong Q1/2020 nhờ cho vay tăng 14,0% và trái phiếu doanh nghiệp tăng 94,6% sv cùng kỳ, với đa số trái phiếu doanh nghiệp đến từ kế hoạch 2019. NIM tương đương cùng kỳ ở mức 8,9%, nhưng giảm 41 điểm cơ bản sv quý trước do hạn chế cho vay tại FE Credit. Thu nhập ngoài lãi Q1/2020 tăng mạnh 60,1% sv cùng kỳ nhờ thu nhập từ thu nợ xấu gấp đôi Q1/2019 và lãi từ chứng khoán tăng gấp 4,3 lần cùng kỳ do VPB bán 8,5% số dư trái phiếu (~4.800 tỷ) trong Q1/2020. Thu nhập phí giảm 6,7% sv cùng kỳ do tốc độ bán bảo hiểm chậm tại FE Credit, trong khi thu nhập từ dịch vụ thanh toán vẫn tăng mạnh 93,6% sv cùng kỳ.
Lợi nhuận ròng tăng mạnh do chi phí được quản lý tốt
Chi phí hoạt động (CPHĐ) Q1/2020 tăng 10,3% sv cùng kỳ, với tỷ lệ chi phí/thu nhập giảm xuống 33,1% từ mức 37,4% của Q1/2019 và 34% trong 2019. Công tác đẩy mạnh số hóa đã giúp VPB tăng lượng giao dịch online lên 25% và số người dùng ngân hàng số lên 64% sv cùng kỳ (~200 nghìn người sử dụng mới mỗi quý). Bên cạnh đó, chi phí dự phòng Q1/2020 tăng 15,8% sv cùng kỳ và VPB đã đẩy mạnh xóa nợ, do đó tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,6% trong Q1/2019 xuống 3,0% trong Q1/2020. CPHĐ và chi phí dự phòng tăng chậm hơn tổng thu nhập (+24,4% sv cùng kỳ), do đó LN ròng tăng mạnh 62,7% sv Q1/2019.
Hạn chế các khoản cho vay rủi ro cao tạo áp lực lên LN năm 2020
Vị thế lớn của VPB trong lĩnh vực cho vay tín chấp sẽ tạo ra rủi ro tín dụng cao do ảnh hưởng của Covid-19, vì khách hàng của FE Credit chủ yếu là người thu nhập thấp. VPB cho biết ngân hàng sẽ thu hẹp hoạt động của FE Credit trong năm 2020 bằng cách hạn chế cho vay khách hàng mới và đẩy mạnh thu hồi nợ. Trong Q1/2020, dư nợ của FE Credit chỉ tăng 1,4% trong khi dư nợ của ngân hàng mẹ tăng 2,9%. Năm 2020 dư nợ của FE Credit được đặt mục tiêu ở mức 62 nghìn tỷ, giảm 3,7% sv 2019. FE Credit đóng góp 58,7% cho thu nhập lãi hợp nhất năm 2019, vì thế việc thu hẹp hoạt động của FE Credit sẽ ảnh hưởng tới NIM và lợi nhuận năm 2020 của VPB.
Khuyến nghị Trung lập; giá mục tiêu giảm xuống VND25.000/cp
Dự phóng EPS năm 2020-21 của chúng tôi giảm 13,3-18,2% sv trước đây do dự báo tăng trưởng cho vay, NIM, thu nhập phí được điều chỉnh giảm. Chúng tôi dự báo NIM giảm 72 điểm cơ bản trong 2020 do hạn chế cho vay tín chấp. Giá mục tiêu dựa trên phương pháp định giá bằng thu nhập thặng dư (chi phí vốn: 14,3%; tăng trưởng dài hạn: 3,0%), với phần bù rủi ro tăng từ 10% lên 11%, do rủi ro gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Rủi ro giảm giá đến từ chi phí tín dụng cao hơn kỳ vọng. Yếu tố tăng giá có thể đến từ việc tăng trưởng tín dụng tốt hơn dự báo.
Xem thêm báo cáo chi tiết TẠI ĐÂY